Tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại song phương Việt - Mỹ đang xoa dịu lo ngại và mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ.
Ngày 09/04, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo giảm thuế đối ứng còn 10% và hoãn áp dụng 90 ngày đối với nhiều đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có Việt Nam. Cùng ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer.
Tại cuộc gặp, hai bên đã thống nhất khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về thuế và đề nghị các cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành trao đổi ngay.
Thông tin này đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán khi VN-Index bật tăng gần 73 điểm, tương ứng mức tăng 6.65% trong phiên giao dịch 10/04. Sắc tím lan rộng với 380 mã tăng trần, phản ánh tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư trước triển vọng tích cực. Mức tăng hiện tại đang đưa VN-Index lọt top các phiên tăng mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Phiên giao dịch chỉ đang kém 3 phiên 08/10/2001, 05/09/2001, 20/06/2001 khoảng 0.09-0.23 điểm phần trăm. Xét về số tăng tuyệt đối thì VN-Index đang lập kỷ lục, vượt qua phiên tăng 56.4 điểm (4.81%) ngày 17/05/2022.
Theo xu hướng chung, nhóm cổ phiếu tiêu dùng bán lẻ đã ghi nhận sự bứt phá ấn tượng. Cổ phiếu MSN tăng kịch trần lên 53,800 đồng/cp, các mã chứng khoán của các công ty thành viên cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng như MCH (+13.26%), MML (+14.64%), MSR (+14.49%).…

Nguồn: VietstockFinance
Tính đến 11h phiên 11/04, VN-Index tiếp tục tăng hơn 32 điểm lên hơn 1,200 điểm. Thanh khoản tăng đột biến lên 18,397 tỷ đồng. Sắc xanh lan tỏa toàn thị trường với 269 mã xanh, 6 mã tăng kịch trần.
Doanh nghiệp bán lẻ triển vọng tích cực
Số liệu của Cục Thống kê cho thấy quý 1/2025, giá xăng dầu, giá gạo giảm theo giá thế giới chính là các nguyên nhân làm cho CPI tháng 3 giảm 0.03% so với tháng trước. Tuy nhiên, nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong tháng 1 và 2, CPI quý 1 vẫn tăng ở mức 3.22% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm hàng có chỉ số tăng cao trong quý đầu năm gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; nhóm thuốc và dịch vụ y tế… Bên cạnh đó, quý 1, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1,708.3 nghìn tỷ đồng, tăng 9.9% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 8.8%
Xu hướng này đang tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng và kỳ vọng ghi nhận kết quả kinh doanh quý 1/2025 tích cực.
Theo nhận định từ Công ty chứng khoán MB (MBS), với đà phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp bán lẻ và tiêu dùng được kỳ vọng tăng trưởng khả quan trong quý 1/2025 sau 2 năm người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Các chuỗi bán lẻ lớn như WinCommerce (WCM) được dự báo tiếp tục có lãi trong quý này, đồng thời hướng đến mở rộng quy mô hoạt động của các điểm bán.
Trong báo cáo chiến lược tháng 4/2025 do Công ty chứng khoán SSI công bố, ngành tiêu dùng không chịu tác động trực tiếp từ thuế quan, nhưng sự suy giảm tại các ngành xuất khẩu thâm dụng lao động như dệt may, thủy sản có thể ảnh hưởng đến chi tiêu, đặc biệt đối với mảng sản phẩm không thiết yếu (điện thoại di động & điện tử tiêu dùng, ô tô, trang sức). Tuy nhiên, việc Chính phủ có thể đưa ra các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng có thể giúp phần nào giảm thiểu tác động này.
Trong dài hạn, việc có cơ hội nhanh chóng tiến tới có một hiệp định Thương mại tự do để làm cơ sở cân bằng hơn cán cân Thương mại giữa hai nước, cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, sẽ là bước tiến lớn của Việt Nam trong câu chuyện trở thành quốc gia kết nối. Đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng đa dạng hơn thị trường xuất khẩu, cũng như tập trung hơn vào thị trường nội địa với các động lực tăng trưởng từ bên trong để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.
Cơ hội đầu tư đang xuất hiện tại một số ngành phòng thủ như công nghệ thông tin, năng lượng, tiện tích, tài chính, tiêu dùng thiết yếu có xu hướng hồi phục tốt hơn trong khung thời gian 1-3 tháng sau các đợt thị trường điều chỉnh mạnh.
Masan - Lợi thế từ sân nhà và chiến lược ứng phó chủ động
Theo đại diện Tập đoàn Masan (HOSE: MSN), mức thuế quan được đề xuất của Mỹ sẽ có tác động rất hạn chế đến hoạt động kinh doanh và triển vọng của Tập đoàn. Thị trường Mỹ đóng góp chưa đến 1% vào doanh thu của Masan Consumer (UPCoM: MCH). Các sản phẩm chủ lực của Masan High-Tech Materials hiện được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế quan đã công bố. Thêm nữa, giá các mặt hàng thiết yếu tại WinCommerce vẫn duy trì tính cạnh tranh so với tất cả kênh khác trên thị trường. Và Việt Nam đã đề nghị mức thuế 0% đối với Mỹ. Điều này giúp giảm chi phí nguyên vật liệu cho ngành thực phẩm tiện lợi và thịt, cũng như giúp giảm chi phí sản xuất của Doanh nghiệp.
Masan tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa, nên Công ty ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chính sách thuế quan mới của Mỹ. Tuy nhiên, đại diện Masan cho biết vẫn không chủ quan, tích cực theo dõi tình hình triển khai các mức thuế và ảnh hưởng tiềm tàng đến thị trường tiêu dùng tại Việt Nam. Đồng thời, chuẩn bị các chiến lược kinh doanh, triển khai chiến lược giá linh hoạt, bám sát tình hình thực tế và cấu trúc danh mục sản phẩm phù hợp để giảm thiều bất kỳ tác động nào đến tâm lý tiêu dùng.
Công ty chứng khoán VCB (VCBS) cũng cho biết MCH có cơ hội mở rộng doanh thu nhờ tập trung vào phân khúc thực phẩm tiện lợi cao cấp, với giá bán cao hơn 0.5-1.5 lần và biên lợi nhuận gộp cao hơn 10-15% so với sản phẩm thông thường. Kỳ vọng niêm yết lên sàn HOSE trong năm 2025 sẽ làm tăng giá trị Tập đoàn, tạo dòng tiền cho MSN giảm nợ và tái đầu tư vào ngành hàng cốt lõi. Ngoài ra, WCM ước tính lãi ròng khoảng 400 tỷ, với kế hoạch mở mới 400-700 cửa hàng trong năm 2025. Trong khi đó, MML và MHT dự kiến hưởng lợi từ giá bán tăng của thịt heo, đồng và vonfram trong năm 2025, khi 85% lượng tồn kho đồng của MSR đã được bao tiêu và nhu cầu cao từ xe điện, năng lượng tái tạo cùng chính sách kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc.