
Theo Dong Hai
Thị trường Việt Nam phiên giao dịch hôm nay có 3 tin tức đáng chú ý: Thách thức cho thị trường Bất động sản năm 2023? Quỹ ETF đầu tư vào TTCK Việt Nam hút ròng khoảng hơn 23.886 tỷ đồng và tỷ giá USD ngày 5/1: Xu hướng giảm trong nước… Dưới đây là nội dung chính tin tức trong phiên giao dịch hôm nay thứ Năm ngày 5/1.
1. Thách thức cho thị trường bất động sản năm 2023?
Trong năm 2023, ngành bất động sản (BĐS) cả nước sẽ vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh lãi suất đang ở mức cao, theo nhận định từ công ty Chứng khoán Rồng Việt (HM:VDS) (VDSC). Theo đó, một số thách thức mà thị trường BĐS sẽ đối mặt như cung, cầu một số phân khúc phục vụ mục đích đầu tư (đất nền và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng) dự báo tiếp tục giảm. Hoạt động giao dịch bất động sản cũng cho thấy dấu hiệu chững lại từ quý III/2022.
Trong khi đó, lãi suất cho vay mua nhà hiện đang ở mức cao và rủi ro kéo dài trong năm sau do áp lực khiến thanh khoản các dự án thuộc phân khúc đầu tư khó có sự cải thiện đáng kể. Lãi suất vay mua nhà hiện đang dao động ở mức 11-14%, tăng hơn 4% chỉ trong 6 tháng cuối năm 2022. Đồng thời trước các áp lực như Fed, ECB dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến ít nhất hết quý hai năm sau và áp lực thanh khoản trong hệ thống khiến mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức cao. Nhóm phân tích VDSC dự báo lãi suất cho vay mua nhà khả năng cao vẫn chưa thể hạ nhiệt cho đến hết nửa đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, các vấn đề về pháp lý thường mất nhiều thời gian và tồn tại nhiều rủi ro có thể làm chậm quá trình phê duyệt và cấp phép xây dựng dự án. Các chủ đầu tư cũng gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn khi hạn chế vốn vay ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu chưa ổn định. Trong năm 2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến hạn là 120.400 tỷ đồng. Áp lực trả gốc và lãi trái phiếu trong bối cảnh hạn chế tín dụng cùng với mở bán dự án chậm có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của các chủ đầu tư. Một yếu tố bất lợi khác là việc các cổ phiếu bất động sản giảm mạnh so với đầu năm phản ánh những thông tin tiêu cực về thị trường bất động sản. Triển vọng của các cổ phiếu này trong ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng.
Chiều ngược lại, VDSC cho rằng, vẫn có một số điểm sáng cho ngành địa ốc trong năm 2023, trong đó Hà Nội và TP HCM dự báo vẫn ghi nhận sự trưởng khả quan nhờ tập trung vào phân khúc có nhu cầu thực và sự khan hiếm về quỹ đất. Bên cạnh đó, định hướng đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ trong năm 2023 và cơ chế luật ngày càng hướng đến sự minh bạch kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho thị trường bất động sản phục hồi nhanh chóng, tạo động lực tăng trưởng trong trung, dài hạn.
2. Quỹ ETF đầu tư vào TTCK Việt Nam hút ròng khoảng hơn 23.886 tỷ đồng
Trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022 (26-30/12), các quỹ ETF của Mỹ hút ròng gần 7 tỷ USD, trái ngược với việc bị rút ròng 15,7 tỷ USD trong tuần giao dịch trước. Điều này phần lớn là nhờ đà hút ròng trở lại 2,6 tỷ USD của các quỹ ETF cổ phiếu (tăng mạnh so với rút ròng 22,8 tỷ USD tuần trước) và các quỹ ETF đầu tư vào các loại hàng hóa hút ròng 318 triệu USD, tăng 381% so với tuần trước đó.
Xu hướng rút ròng tiếp tục diễn ra tại thị trường chứng khoán châu Á trong tuần 26-30/12/2022 và Đài Loan vẫn đứng đầu khi bị rút ròng 894 triệu USD. Thị trường chứng khoán Thái Lan và Việt Nam được xem là điểm sáng nhất khi hút ròng lần lượt 565 triệu USD (so với rút ròng 30 triệu USD tuần trước) và 90 triệu USD, tăng 80% so với tuần trước đó.
Sau một tuần rút ròng nhẹ dòng vốn huy động được của các quỹ ETF trong khu vực đã tăng mạnh mẽ trở lại với giá trị hút ròng 136,6 triệu USD trong tuần giao dịch cuối năm 2022. Trong đó, gần như toàn bộ là vào thị trường Việt Nam 132 triệu USD, tăng 5,6% lần so với tuần trước.
Tại thị trường Việt Nam, Kim Index ghi nhận tuần hút ròng mạnh mẽ nhất trong năm 74,3 triệu USD sau nhiều tuần không biến động, trong khi đó Fubon FTSE tiếp tục hút dòng tiền 39,3 triệu USD, tăng 224% so với tuần trước.
Lũy kế cả năm 2022, các quỹ ETF đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam hút ròng 1.016 triệu USD (ước tính khoảng hơn 23.886 tỷ đồng), gấp 9,3 lần so vo với năm 2021.
3. Tỷ giá USD ngày 5/1: Xu hướng giảm trong nước
USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác đóng cửa ở mức 104,05 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD tăng 0,22% ở mức 1,0625. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,20% ở mức 1,2077. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,6% ở mức 131,84.
Trong nước, tỷ giá trung tâm hôm nay (5/1) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên ở mức 23.603 VND/USD như mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.423 - 24.783 VND/USD.
Tỷ giá USD trong nước sáng nay có nhiều điều chỉnh giảm giá như ở Vietcombank (HM:VCB) và VietinBank (HM:CTG) với lần lượt 20 và 27 đồng ở cả hai chiều mua bán. Đáng kể hơn cả có Techcombank (HM:TCB) và Eximbank (HM:EIB) cùng hạ 30 đồng ở chiều bán so với mức niêm yết cùng giờ sáng qua.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.330 – 23.385 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 23.650 - 23.820 VND/USD. Trong đó, ngân hàng có giá mua USD cao nhất là BIDV (HM:BID) còn giá bán USD thấp nhất nằm ở Eximbank.
Trên thị trường "chợ đen", khảo sát lúc 9h30 sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 23.700 - 23.800 VND/USD, giá mua và giá bán không đổi so với mức ghi nhận giờ này hôm qua.