Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với kết quả kinh doanh ổn định.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế (LNTT) trong quý đầu năm của TCB đạt 7.236 tỷ đồng – mức cao thứ hai từng ghi nhận trong quý đầu năm.
Quý I/2025, Techcombank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 11.611 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ, chủ yếu do nền so sánh cao từ quý I/2024. Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần (NII) vẫn duy trì ổn định ở mức 8.305 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 2,3%. Biên lãi thuần (NIM) trượt 12 tháng được giữ ở mức 4,0% - phản ánh chiến lược điều tiết lãi suất và cơ cấu tài sản hiệu quả, và chi phí vốn duy trì ở mức cạnh tranh 3,4%.
Điểm nhấn nổi bật trong kỳ là phí dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) đạt 1.084 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng theo quý của dịch vụ IB đến từ cả việc ghi nhận chi phí tư vấn phát hành, cũng như từ các hoạt động IB khác, trong đó phải kể đến sự gia tăng phí quản lý quỹ của Techcom Capital. Điều này phản ánh sự hồi phục niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác) và sức hấp dẫn của các gói sản phẩm đầu tư đa dạng, được thiết kế phục vụ cho nhiều chiến lược khác nhau. Ngoài ra, thu nhập từ dịch vụ ngoại hối và bảo hiểm, lần lượt tăng 50,5% và 26,7% so với cùng kỳ năm trước, minh chứng cho nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu ngoài lãi của Ngân hàng.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giữ ở mức hợp lý 28,3%, bất chấp việc tiếp tục duy trì các khoản đầu tư vào chuyển đổi số và marketing đầu năm. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 10% giúp cải thiện chi phí tín dụng về mức 0,7%, góp phần hỗ trợ lợi nhuận sau thuế.

Tính đến ngày 31/03/2025, tổng tài sản của Techcombank đạt gần 990 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Tín dụng tăng trưởng 3,84% so với đầu năm, đạt 665.300 tỷ đồng. Dư nợ cá nhân tăng 26,6% so với cùng kỳ, nổi bật là dư nợ ký quỹ phục hồi mạnh theo đà sôi động của thị trường chứng khoán. Dư nợ doanh nghiệp cũng tăng 13% nhờ sự phục hồi của các nhóm ngành tiện ích và viễn thông, bất động sản, logistics và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) chỉ tăng nhẹ lên 1,23%, vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì cao trên 111%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 15,3%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8%, thể hiện năng lực quản trị rủi ro và tiềm lực vốn mạnh mẽ.
Tiền gửi khách hàng tăng 21,9% so với cùng kỳ, đạt 569.855 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ CASA đạt 39,4%, tiếp tục thuộc nhóm cao nhất ngành. Số dư CASA của phân khúc khách hàng cá nhân, bao gồm số dư Sinh lời tự động, tăng lên mức 151,8 nghìn tỷ đồng, so với 143,9 nghìn tỷ đồng cuối năm ngoái.
Đáng chú ý, số lượng giao dịch điện tử của khách hàng cá nhân trong quý 1 đạt gần 886 triệu giao dịch, với giá trị hơn 2,9 triệu tỷ đồng – lần lượt tăng 30% và 10% so với cùng kỳ. Techcombank tiếp tục dẫn đầu với thị phần giao dịch NAPAS thậm chí tiếp tục tăng trong quý I, cụ thể chiều phát hành (17,6%) và chiều thanh toán (16,4%), thể hiện ưu thế trong cuộc đua số hóa ngành ngân hàng.
Công ty con TCBS ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.310 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ. TCBS giữ vững vị trí top 3 môi giới cổ phiếu trên HOSE và top 2 trên HNX. Trong quý I, TCBS tư vấn phát hành 7.000 tỷ đồng trái phiếu (chiếm 57% thị phần không bao gồm trái phiếu ngân hàng) và phân phối hơn 20.300 tỷ đồng trái phiếu.
Trong quý I/2025, Techcombank đã triển khai mô hình đại lý ngân hàng tại 45 điểm bán WinMart+ và ra mắt dịch vụ “Ngân hàng Gia đình và Bạn bè” – mở ra kênh tiếp cận khách hàng mới cũng như tăng tính gắn kết cộng đồng trong sử dụng sản phẩm tài chính. Đây là bước đi chiến lược trong việc hiện thực hóa mục tiêu phân phối đa kênh và khai thác tối đa tiềm năng từ các hệ sinh thái hợp tác.
Tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, Techcombank sẽ trình các mục tiêu tài chính đầy tham vọng: dư nợ tín dụng đạt 745.738 tỷ đồng (tăng 16,4%), lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng (tăng 14,4%) và tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát dưới 1,5%.