MB chào bán riêng lẻ thành công 2.500 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi kì hạn 6 - 18 tháng với lãi suất phát hành chỉ dao động 3,4 - 4%/năm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: QT)
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) thông báo chào bán riêng lẻ thành công 2.500 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho khách hàng tổ chức trong tháng 7/2020.
Chứng chỉ được MB phát hành đợt này có mệnh giá 10 tỉ đồng, kì hạn 6-18 tháng với lãi suất phát hành dao động 3,4 - 4%/năm. Như vậy, lãi suất phát hành chứng chỉ tiền gửi thấp hơn nhiều so với mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kì hạn mà MB đang áp dụng, dao động 5,9 - 7,2%/năm.
Trong tháng 6, ngân hàng này phát hành thành công 1.000 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi kì hạn 7 tháng với lãi suất huy động chỉ 3,5%/năm.
Hồi tháng 4, MB cũng phát hành thành công 1.235 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi kì hạn 1 - 12 tháng cho khách hàng tổ chức. Trước đó, MB đã phát hành thành công 3.755 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi riêng lẻ cho khách hàng tổ chức trong tháng 3 với lãi suất phát hành từ 4,0% đến 6,2%/năm; phát hành thành công 3.000 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi 12 tháng trong tháng 1 (lãi suất phát hành là 5,9%/năm); và phát hành hàng trăm tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi khác trong tháng 2.
Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, đến ngày 30/6, MB có hơn 26.800 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi đang lưu hành, tăng 7.100 tỉ đồng so với cuối năm 2019 và tăng 2.100 tỉ đồng so với mức ghi nhận cuối quí I. Trong đó, bao gồm hơn 16.900 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi có kì hạn dưới 12 tháng và gần 9.900 tỉ đồng kì hạn trên 12 tháng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận MB đạt 5.119 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kì 2019 và thực hiện được 51% kế hoạch.
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản MBBank đạt 406.803 tỉ đồng, giảm 1,1% so với cuối năm 2019. Trong đó, cho vay khách hàng giảm nhẹ xuống 247.980 tỉ đồng.
Tiền gửi khách hàng ở mức 240.737 tỉ đồng, giảm 11,7%. Trong đó, tiền gửi không kì hạn giảm 22% xuống còn 71.852 tỉ đồng; tiền gửi vốn chuyên dùng, tiền gửi kí quĩ cũng đều lần lượt giảm 57,9% và 24% xuống còn 1.964 tỉ và 5.790 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% tại thời điểm cuối năm 2019 lên 1,62%.