Nhiều ngân hàng nhỏ lên kế hoạch chuyển sang niêm yết cổ phiếu ở sàn HoSE/HNX, nhằm nâng cao tính thanh khoản cổ phiếu, đồng thời tăng vốn điều lệ.

Nhiều ngân hàng niêm yết
Kienlongbank dự kiến trình kế hoạch niêm yết cổ phiếu KLB tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên, tổ chức ngày 25/4.
Theo HĐQT Kienlongbank, việc niêm yết cổ phiếu KLB là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, thể hiện ngân hàng ngày càng minh bạch trong hoạt động, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh.
HĐQT VietABank cũng cho biết, tại kỳ họp ĐHĐCĐ vào ngày 26/4 sẽ trình cổ đông phương án niêm yết toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành lên sàn chứng khoán. Theo đó, VietABank trình thông qua việc niêm yết cổ phiếu VAB trên sở giao dịch chứng khoán khi điều kiện thị trường thuận lợi; giao HĐQT quyết định lựa chọn niêm yết trên sàn HoSE hoặc HNX, thời gian cụ thể, giá niêm yết và thủ tục niêm yết.
Tương tự, BVBank trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu BVB trên HoSE trong năm nay.
Saigonbank cũng sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE/HNX. Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank cho hay, các chỉ số tài chính của Saigonbank đã đủ điều kiện để niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE và Ngân hàng đã ký hợp đồng với công ty tư vấn chuyển sàn.
Tăng vốn trước niêm yết
Không chỉ kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận, niêm yết trên sàn HoSE/HNX, trong năm nay, các nhà băng trên cũng đẩy mạnh phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Năm 2025, BVBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 6.408 tỷ đồng lên 7.676 tỷ đồng thông qua 2 hình thức.
Trong đó, phát hành hơn 106,8 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6:1. Số cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Toàn bộ vốn tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng được bổ sung vốn mở rộng hoạt động cho vay.
Đồng thời, BVBank sẽ phát hành tối đa 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với giá 11.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2025, VietBank dự kiến tăng thêm 3.780 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Cụ thể, đợt 1, VietBank dự kiến phát hành hơn 107 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 15%) cho cổ đông hiện hữu, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II-III/2025. Sau khi hoàn tất phát hành đợt 1, vốn điều lệ của VietBank sẽ tăng lên 8.210 tỷ đồng.
Đợt 2 dự kiến phát hành gần 271 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 33% so với vốn điều lệ đã tăng sau đợt 1) cho cổ đông hiện hữu. Với giá phát hành 10.000/cổ phiếu, tổng giá trị cổ phiếu phát hành đợt 2 là hơn 2.709 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III-IV/2025.
Nếu phát hành thành công cả 2 đợt, vốn điều lệ của VietBank tăng từ 7.139 tỷ đồng lên gần 10.920 tỷ đồng.
Cũng tại kỳ họp ĐHĐCĐ năm nay, VietABank sẽ trình cổ đông thông qua mục tiêu tăng vốn điều lệ gần gấp đôi, từ 5.400 tỷ đồng lên 11.582 tỷ đồng, tương ứng tăng 114,5%. Phương án tăng vốn bao gồm 3 cấu phần.
Theo đó, VietABank dự kiến phát hành hơn 285 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 52,8%, tổng giá trị theo mệnh giá khoảng 2.851 tỷ đồng. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ dự kiến đạt 8.251 tỷ đồng. Đồng thời, phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với 20 triệu cổ phiếu, tương đương 200 tỷ đồng (tỷ lệ 3,7%). Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm và sẽ được triển khai trong vòng 12 tháng kể từ khi được cơ quan quản lý chấp thuận. Đợt cuối, Ngân hàng sẽ chào bán hơn 313 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 58%, tổng giá trị phát hành gần 3.132 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất 3 cấu phần này, vốn điều lệ của VietABank sẽ tăng lên 11.582 tỷ đồng.
PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, việc tăng vốn là điều kiện cần để các ngân hàng nâng Hệ số An toàn vốn (CAR), đáp ứng quy định và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, niêm yết cổ phiếu cũng sẽ tạo thanh khoản cho cổ phiếu và giúp huy động vốn qua thị trường.