Theo Thanh Phong
Đêm qua, chứng khoán Mỹ đã lập đỉnh kỷ lục mới khi tăng mạnh gần 500 điểm, kết thúc phiên đóng cửa ở 30.046 điểm. Cùng với đó, 2 chỉ số S&P 500 cũng lên đỉnh lịch sử 3.635 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite thêm 1,3%, kết phiên ở 12.037 điểm. Trong bối cảnh nhiều thông tin tích cực về vắc xin COVID-19, kì vọng kinh tế hồi phục mạnh năm 2021 và rủi ro chính trị giảm bớt sau khi chính quyền Donald Trump bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực cho phía Joe Biden đã làm các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng hơn vào thị trường chứng khoán.
Còn ở trong nước, VN-Index cũng sôi động không kém. Tiếp tục là một phiên với 11000 tỷ đồng khi mà chỉ số đã tiến về đỉnh lịch sử 1000. Dù vậy, kết thúc phiên, VN-index chỉ đóng cửa ở mức "suýt xoát" tại mốc 999, 94 điểm (tăng 4,18 điểm so với đầu ngày). Các chỉ số khác cũng đều có sắc xanh đồng thuận, riêng Upcom-index giảm 0,24% xuống còn 66,6 điểm.
Mặc dù tăng điểm nhưng thị trường chưa có sự đồng thuận khi số mã giảm điểm đang nhiều hơn với 224 mã, 71 mã giữ nguyên còn 213 mã tăng. Xu hướng hiện tại thì sự chú ý vẫn hướng sáng nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ nhiều hơn. Vn30 nay có dấu hiệu hút được dòng tiền về nhưng kết thúc phiên giao dịch chỉ tăng được 1,02 điểm lên 960,63. Thanh khoản nhóm này đạt 6381 tỷ, so với giai đoạn gần đây thì tỷ trọng với chỉ số chính Vn-index đã có cao hơn chút. Nếu trước đó, HPG (HM:HPG) dẫn dắt thị trường thì hôm nay cổ phiếu này cũng là mã kéo giảm điểm nhiều nhất. Nay cũng là phiên thứ 2 mà các nhà đầu tư chứng kiến giao dịch kỷ lục ở cổ phiếu này, lên tới hơn 50 triệu cổ phiếu. Kết phiên, HPG giảm mất 5,1% xuống còn 35.600. Thông tin đưa là quỹ đầu tư PENM III, một cổ đông lớn đã gửi thông báo đăng ký bán ra 76.5 triệu cổ phiếu tới Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM. Dù vậy, theo phía công ty, thương vụ bán này là do sắp đến thời hạn kết thúc Quỹ vào năm 2021. Những mã giảm giá trong nhóm 30 thì lại khác hẳn, nhiều nhất cũng chỉ có STB (HM:STB) là 1%, còn lại biến động rất ít. Ở chiều tăng thì VPB (HM:VPB) chễm chệ ngôi đầu khi bứt tốc với 4%. Theo sau là SAB (HM:SAB), BID (HM:BID), VIC (HM:VIC),...quanh 1%.
Với một bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều điểm sáng tích cực thì giá dầu cũng hồi phục dần trở lại. Phiên giao dịch hôm qua, giá dầu WTI đã tăng lên 44,79 USD/thùng còn giá dầu Brent giao tháng 1/2021 cũng tăng 47,78 USD/thùng. Nhóm dầu khí trong nước cũng đã bắt đầu sôi động thời gian gần đây. Cổ phiếu TLP tăng tới 13,6% nhưng thanh khoản giao dịch lại rất ít. POS tiếp tục tăng 4,7%. OIL (HN:OIL), TDG, PVO cũng trên 3%. Các mã khác xanh nhẹ hoặc biến động không đáng kể xung quang tham chiếu. Còn GAS (HM:GAS) thì đã vượt đỉnh cũ 6 tháng và đang tiến về mốc đỉnh 1 năm trước của mình.
Nhóm vận tải, cảng biển cũng đã bắt đầu có sự phân hóa. Số mã tăng gần như ngang bằng với các mã giảm chứ không còn giữ được sự đồng đều. SGP (HN:SGP) dẫn đầu nhóm tăng với 12,8%. Giá tím cũng đã xuất hiện nhưng chốt phiên chưa lấy lại được mốc này. Xếp sau là PDN với 5,3%. VIP, PHP cũng có mức tăng khá tốt trên 3%. HVN (HN:HVN) chưa có dấu hiệu cải thiện, chỉ dao động nhẹ quanh tham chiếu. Trong khi đó, ở chiều giảm, tân binh GIC lại là cổ phiếu có mức giảm nhiều nhất. Giá cổ phiếu mất 5,1% xuống còn 18.600. MHC, TMS , SKG những mã tăng mạnh đợt trước cũng giảm khá nhiều khoảng 3%. GMD (HM:GMD) lại giảm về 27000, mất 1,8% so với đầu ngày.
Nhóm chứng khoán biến động khá nhẹ nhàng, khác với sự sôi động của thị trường. Những cổ phiếu tăng điểm trong nhóm này cũng chỉ có mức tăng rất nhẹ, quanh 1% như TVB, FTS (HM:FTS), SSI (HM:SSI),..trong khi đó mã giảm mạnh nhất là VIX -2,9% sau một phiên tăng trần ngày hôm qua. Hai bluechips của ngành là HCM (HM:HCM), VCI (HM:VCI) cũng điều chỉnh giảm nhẹ dưới 1%. SHS (HN:SHS), BVS (HN:BVS) giữ nguyên tham chiếu. Nhóm bảo hiểm chứng kiến sự quay lại của PVI (HN:PVI), PGI với hơn 4%. BMI (HM:BMI) cũng bắt đầu hạ nhiệt , giảm nhẹ 0,2%. BVH (HM:BVH) tiếp tục dao động quang vùng 55000, giảm 1,1% phiên nay.
Nổi trội nhất phiên có lẽ là nhóm ngành y tế khi có đến 3 cái tên tăng trần trong này. NDP, IMP, SPM trong đó NDP sàn Upcom có mức tăng 15%. Điều này cũng cho thấy giới đầu tư bắt đầu thận trọng hơn với thị trường và chuyển sang dần nhóm cổ phiếu phòng thủ. ABS, PPP, DMC cũng đều tăng trên 3%. Tất nhiên không phải toàn bộ các mã trong ngành đều tăng , JVC, AMV đã mất 2% giá trị. Nhưng nhìn chung mức giảm không đáng kể , đa phần còn lại dao động xung quanh mốc tham chiếu đầu ngày.
Nhóm bất động sản công nghiệp cũng chia làm 2 phe. Chiều tăng có LHG kịch trần, trắng bên bán. Quý III vừa rồi, kết quả kinh doanh của công ty dù tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng cũng chưa phải ở mức quá ấn tượng. Điều đặc biệt là có 1 cổ đông của công ty, dù không nằm trong ban lãnh đạo nhưng liên tục mua gom cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 20%. Kết thúc phiên, giá cổ phiếu đóng cửa ở mốc 30,900. Bộ đôi Sonadezi SZC, SZL cũng có mức tăng ấn tượng tương ứng 4,7% và 3,5%. TIP +3,4%. Ngược lại với đó, HPI gần như nằm sàn khi mất tới 14,2%. VGC (HN:VGC), NTL sau những phiên tăng mạnh đã phải dừng lại nghỉ ngơi, giảm khoảng 3%. D2D, TIX giữ nguyên tham chiếu.
Hôm nay kết thúc chuỗi 4 phiên mua ròng của khối ngoại. Giá trị bán ròng đạt gần 160 tỷ đồng, trong đó không thể kể đến HPG. Đây cũng là cổ phiếu đứng đầu danh sách bán với tổng giá trị 215 tỷ. CTG (HM:CTG), VHM (HM:VHM), HDB (HM:HDB) xếp sau. Ở chiều mua thì VRE (HM:VRE) được mua khá nhiều với hơn 130 tỷ. VNM (HM:VNM), CTG cũng được khối ngoại gom mạnh. Còn trên sàn HNX thì giao dịch nhiều nhất thuộc về bên mua với 2 cổ phiếu chủ lực là ACB (HN:ACB) và PVS (HN:PVS). Bên còn lại bán ra khá ít, chỉ có 1 vài mã nhỏ AMV, BNA, BVS, SLS.