Các nhà đầu tư Nhật Bản đã bán ra hơn 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế khi thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm rung chuyển thị trường đầu tháng này, cho thấy những biến động ở Phố Wall đang lan truyền khắp thế giới.
Theo số liệu sơ bộ từ Bộ Tài chính Nhật Bản, các tổ chức tư nhân bao gồm ngân hàng và quỹ hưu trí đã bán ra 17.5 tỷ USD trái phiếu nước ngoài dài hạn trong tuần kết thúc ngày 04/04 và thêm 3.6 tỷ USD trong 7 ngày sau đó.
Đợt bán tháo này đánh dấu một trong những đợt vốn rút vốn lớn nhất (xét trong giai đoạn 2 tuần) kể từ khi Nhật Bản bắt đầu công bố dữ liệu này vào năm 2005.
Nhật Bản hiện đang nắm giữ 1.1 ngàn tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ, là quốc gia sở hữu trái phiếu Chính phủ Mỹ lớn nhất thế giới. Chính vì thế, mọi động thái giao dịch từ các định chế tài chính Nhật Bản luôn được theo dõi sát sao và được xem như chỉ báo quan trọng cho xu hướng mua bán trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Làn sóng bán tháo bắt đầu từ ngày 02/04, khi Tổng thống Trump gây sốc với mức thuế quan đối ứng quá cao, gây chấn động trên các thị trường chứng khoán và trái phiếu toàn cầu, với tâm điểm là các thị trường tài chính Mỹ.
Trong 4 ngày giao dịch sau tuyên bố của Trump, chỉ số S&P 500 trên Phố Wall đã lao dốc 12%. Thị trường chỉ phục hồi phần nào sau khi Trump quyết định tạm hoãn hầu hết các mức thuế quan đối ứng trong thời gian 90 ngày.
Trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng bị bán tháo, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng vọt trong tuần kết thúc vào ngày 11/04, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2001.
* Trái phiếu Chính phủ Mỹ đột nhiên giao dịch như tài sản rủi ro, chuyện gì đang xảy ra?
* Giới đầu tư tháo chạy khỏi trái phiếu Chính phủ Mỹ, lợi suất dài hạn tăng vọt
Mặc dù báo cáo từ Bộ Tài chính Nhật Bản không nêu cụ thể loại trái phiếu dài hạn nào đã được giao dịch, Tomoaki Shishido, Chiến lược gia lãi suất cao cấp tại ngân hàng Nomura, nhận định: "Một phần đáng kể trong hoạt động bán ra này nhiều khả năng là trái phiếu Chính phủ Mỹ hoặc trái phiếu cơ quan Mỹ (agency bond)", ám chỉ các chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp có bảo lãnh của Chính phủ Mỹ.
"Việc bán trái phiếu nước ngoài có thể xuất phát từ nhu cầu cân bằng lại danh mục đầu tư của các quỹ hưu trí Nhật Bản, hoặc cũng có thể do các ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ muốn giảm thiểu rủi ro lãi suất", ông Shishido bổ sung.
* Ai đang bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ?
Không chỉ các nhà đầu tư Nhật, các nhà quản lý tài sản Mỹ cũng như các quỹ đầu cơ Mỹ và quốc tế đã giảm bớt các giao dịch đòn bẩy, góp phần vào đợt bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ trong tháng này.
Tuy nhiên, chính làn sóng bán trái phiếu quốc tế của Nhật Bản đã trở thành minh chứng rõ nét nhất cho thấy cách thức những biến động từ Phố Wall đang lan tỏa ra các thị trường toàn cầu.
Theo nhận định của một số nhà đầu tư, sự sụt giảm của cổ phiếu Mỹ đã làm đảo lộn tỷ lệ phân bổ tài sản vào trái phiếu và cổ phiếu quốc tế của các quỹ hưu trí Nhật Bản. Hệ quả là các quỹ này buộc phải bán trái phiếu Chính phủ Mỹ và các khoản nợ được chính phủ Mỹ bảo lãnh khác để khôi phục cân bằng cho danh mục đầu tư.
Thêm vào đó, một phần hoạt động bán ra của các nhà đầu tư tư nhân Nhật Bản có thể là kết quả của việc gỡ bỏ chiến lược carry trade (đầu tư chênh lệch lãi suất) của các ngân hàng Nhật, theo đánh giá của các nhà phân tích.
Trong những giao dịch carry trade này, các nhà đầu tư thường vay tiền từ thị trường có lãi suất thấp để đầu tư vào những thị trường có lãi suất cao hơn. Với mức lãi suất tương đối thấp, Nhật Bản đã trở thành thị trường "tài trợ" phổ biến cho các giao dịch kiểu này.
Tuy vậy, Stefan Angrick, Chuyên gia kinh tế về Nhật Bản tại Moody's Analytics, cho rằng dù khối lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ được bán ra bởi các quỹ Nhật Bản là đáng kể, nhưng con số này vẫn chưa đủ lớn để giải thích hoàn toàn cho sự tăng vọt của lợi suất trong hai tuần đầu tháng 4.
"Những con số tổng thể có vẻ đáng kinh ngạc, nhưng đối với thị trường trái phiếu, chúng chỉ là một gợn sóng nhỏ", Angrick nhận xét và chỉ ra rằng thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ có khối lượng giao dịch lên đến gần 1 ngàn tỷ USD trong một ngày giao dịch bình thường.