Giá phenylmethan, hóa chất làm dung môi hòa tan sơn, cao su tại Trung Quốc ngày 7/6 là 8.370 nhân dân tệ/tấn (1.254 USD/tấn), tăng 2,6% so với ngày trước đó.Giá photpho vàng giữ nguyên so với ngày trước đó và ở mức 38.666 nhân dân tệ/tấn (5.795 USD/tấn).

Diễn biến giá phenylmethan tại Trung Quốc. Nguồn: Sunsirs |
Toluene hay còn gọi là phenylmethan, hóa chất làm dung môi hòa tan sơn, cao su... tại Trung Quốc ngày 7/6 là 8.370 nhân dân tệ/tấn (1.254 USD/tấn), tăng 2,6% so với ngày trước đó. Giá mặt hàng này liên tục tăng từ giữa tháng 4. Giá cao hơn giữa tháng 4 khoảng 15%.
Trong khi đó, giá một số nguyên liệu trong sản xuất phân bón đi xuống hoặc giữ nguyên. Giá lưu huỳnh là 3.990 nhân dân tệ/tấn (598 USD/tấn), giảm 0,8% so với ngày trước đó nhưng vẫn cao hơn giữa tháng 3 khoảng hơn 40%.
Photpho vàng giữ nguyên ở mức 38.666 nhân dân tệ/tấn (5.795 USD/tấn). Giá mặt hàng này theo xu hướng giảm từ giữa tháng 5 đến nay. Hiện giá thấp hơn giữa tháng 5 khoảng 3%. Axit nitric không đổi với 2.800 nhân dân tệ/tấn (419 USD/tấn). Giá mặt hàng này liên tục tăng từ cuối tháng 3 đến nay với mức tăng 26%.
Giá ure, DAP giữ nguyên so với ngày trước đó và lần lượt ở 3.213 nhân dân tệ/tấn (481 USD/tấn) và 4.200 nhân dân tệ/tấn (629 USD/tấn). Từ giữa tháng 5, giá ure có xu hướng giảm và hiện giá thấp hơn khoảng 2% so với đỉnh.
Theo Investing, giá ure tương lai tại Trung Đông vẫn giữ nguyên ở mức 700 USD/tấn. Từ đầu tháng 5, giá ure giảm từ 735 USD/tấn xuống mức 700 USD/tấn và đi ngang từ ngày 20/5.
Về thị trường trong nước, giá nhiều loại phân bón đi ngang. DAP Đình Vũ tại Cần Thơ là 990.000 đồng/bao. DAP Hồng Hà tại An Giang là 1,34 triệu đồng/bao. Kali bột Phú Mỹ là 895.000 đồng/bao. Mỗi bao là 50 kg.
NPK 16-16-16 Ba Con Cò tại Hà Nội là 925.000 đồng/bao. NPK 16-16-8 Phú Mỹ tại Bình Thuận là 850.000 đồng/bao. Mặt hàng giá phân NPK vẫn chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt, thiếu quặng apatit để sản xuất phân bón NPK là nguyên nhân chính khiến giá mặt hàng này vẫn giữ mức cao.

Giá NPK tại Bình Thuận. |
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chiều 7/6 và sáng 8/6, vấn đề giá phân bón tăng được nhiều đại biểu chất vấn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời rằng Việt Nam là quốc gia nông nghiệp nhưng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu từ phân bón, thuốc trừ sâu.... Chính phủ cũng giao cho bộ Nông nghiệp phải nâng cao tính tự chủ để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Trước tình trạng giá phân bón cao, nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng đã dùng những phế phẩm nông nghiệp để làm phân bón. Đây không phải là giải pháp tình thế mà là xu hướng lâu dài, sinh hóa, hữu cơ hóa nền nông nghiệp.
Trước đó, để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính đã có công văn số 3662 gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp về hồ sơ xây dựng dự án Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón (trừ mặt hàng phân bón hữu cơ), không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.