Giá dầu Brent và WTI tăng lần lượt 2,3% và 2%.Chốt tuần, cả hai chỉ số giá dầu đều giảm.Giá vàng tăng nhẹ 0,2%.
Giá dầu tăng khoảng 2% nhưng giảm trong tuần này trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng nhu cầu dầu mỏ giảm sút trong trường hợp kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang tham gia vào cuộc đua lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát, làm gia tăng quan ngại đối với triển vọng tăng trưởng. Trong khi đó, chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng tại Thượng Hải trong tuần qua khiến cho quan ngại đó lại càng có cơ sở.
Trong ngày hôm qua, giá dầu Brent tương lai tăng 2,37 USD, tương đương 2,3%, lên 107,02 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 2,06%, tương đương 2%, lên 104,79 USD/thùng. Cả hai chỉ số đầu phiên giảm nhưng hồi phục vào cuối phiên.
Chốt tuần, giá dầu Brent giảm 4,1% trong khi WTI giảm 3,4% và có tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2021. Giá dầu giảm mạnh trong ngày 5/7 với mức giảm trên 8%. Giá dầu Brent giảm 10,73 USD, mức giảm mạnh thứ 3 kể từ năm 1988.

Giá dầu chốt tuần giảm sau phiên giảm mạnh ngày 5/7. Ảnh: Reuters. |
Báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 6 tại Mỹ mới được công bố cho thấy thị trường lao động quốc gia này tiếp tục “nóng”, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể quyết liệt siết chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
“Báo cáo việc làm vừa được công bố là con dao hai lưỡi đối với thị trường dầu mỏ”, theo Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tại Price Futures Group. “Số lượng việc làm mới cao là tín hiệu tốt đối với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư quan ngại rằng với việc thị trường lao động vẫn tương đối nóng, Fed sẽ quyết liệt hơn trong cuộc đua chống lạm phát”.
Các công ty năng lượng Mỹ bổ sung hai giàn khoan dầu trong tuần vừa qua, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 597 đơn vị, cao nhất kể từ tháng 3/2020, theo dữ liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co.
Giá dầu tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022. Giá dầu Brent có thời điểm tăng lên ngưỡng cao nhất lịch sử 147 USD/thùng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine, làm gia tăng căng thẳng nguồn cung.
“Quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới ảnh hưởng mạnh tới giá dầu trong tuần này, tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại những xung lực đi lên. Đó là bởi nguồn cung tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới”, theo Stephen Brennock tới từ PVM.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu Nga hỗ trợ đà tăng của giá dầu, trong khi đó, các thành viên OPEC+ khó có thể hoàn thành mục tiêu sản lượng đã đề ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các lệnh trừng phạt chống lại Moscow làm gia tăng rủi ro giá năng lượng tăng cao, tác động tiêu cực tới người tiêu dùng toàn cầu.
Kim loại quý
Giá vàng giảm tuần thứ tư liên tiếp trong bối cảnh đồng USD lên giá và khả năng cao Fed sẽ tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp tháng 7, đặc biệt sau khi báo cáo việc làm tháng 6 tốt hơn dự báo được công bố.
Giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.742,3 USD/ounce. Giá vàng giảm 3,29% trong tuần qua, tuần giảm mạnh nhất từ giữa tháng 5.
Thời gian gần đây, đồng USD, hiện cao nhất hai thập kỷ, đã thay thế vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn trước rủi ro suy thoái của nhà đầu tư.
“Dữ liệu việc làm tháng 6 hạn chế đà tăng giá của vàng, vốn đã chịu không ít áp lực giảm điểm trước diễn biến mạnh lên của đồng USD”, theo Bob Haberkorn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại RJO Futures.
Tăng trưởng việc làm tháng 6 tại Mỹ tốt hơn dự báo và tỷ lệ thất nghiệp thấp là tín hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn tương đối nóng, điều có thể buộc Fed tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp tháng này.
Môi trường lãi suất cao thường làm giảm sức hấp dẫn của vàng, một loại hình tài sản phi lợi suất.
“Đà phục hồi mạnh của giá vàng khó có thể xảy ra trong bối cảnh Fed vẫn đang quyết liệt kiểm soát lạm phát, đồng thời tránh đẩy nền kinh tế vào suy thoái”, theo Carsten Menke, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Julius Baer.
Giá bạc giao ngay tăng 0,4% lên 19,27 USD/ounce, giá platinum tăng 2% lên 890,43 USD/ounce, giá palladium tăng 8,9% lên 2.167,18 USD/ounce.