
Theo Dong Hai
Dòng vốn ETF đổ vào thị trường cao nhất 1 năm; Tập đoàn PAN tiến hành thâu tóm nhiều công ty; Xuất khẩu gỗ đã tăng trưởng trở lại. Thị trường Việt Nam hôm nay sẽ có các tin tức mới với nội dung dưới đây.
1. Dòng vốn ETF đổ vào thị trường cao nhất 1 năm
Tổng dòng vốn ETF trong tháng 5 bơm ròng gần 4.900 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam và nâng tổng giá trị dòng vốn lũy kế từ đầu năm lên 6.700 tỷ đồng, mức cao thứ 2 của giai đoạn 5 tháng đầu năm trong các năm quá khứ (chỉ sau giá trị 13.100 tỷ đồng trong năm 2021). Lực mua chủ yếu trong 5 tháng đầu năm vẫn từ Quỹ Fubon và DCVFM VNDiamond với giá trị lần lượt là 3.010 tỷ đồng và 1.861 tỷ đồng. Các quỹ ETF nội khác như DCVFM VN30 và SSIAM VNFINLead cũng ghi nhận mức bơm ròng khá, lần lượt là 72 tỷ đồng và 97 tỷ đồng. Các quỹ ETF ngoại khác bắt đầu có diễn biến tích cực hơn, như quỹ FTSE Vietnam đảo chiều bơm ròng trong nửa cuối tháng.
Trên thế giới, dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu bơm ròng 8,4 tỷ USD trong tháng 5, từ mức giảm 22,4 tỷ USD vào tháng 4. Đáng chú ý, dòng vốn vào thị trường phát triển đảo chiều sang bơm ròng 13,4 tỷ USD nhờ lực hút từ thị trường Mỹ (+26,7 tỷ USD). Trong khi dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi lại rút ròng 5,6 tỷ USD. Nguyên nhân được SSI (HM:SSI) đánh giá chủ yếu đến từ việc rút ròng ra khỏi thị trường Trung Quốc 2,5 tỷ do lo ngại về tăng trưởng khi Trung Quốc thực hiện chính sách "Không Covid" và việc thực hiện giãn cách xã hội chặt chẽ. Dòng vốn vào các thị trường Châu Á khác phân hóa, như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam ghi nhận bơm ròng vào tháng 5, trong khi đó Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Thái Lan rút ròng
2. Tập đoàn PAN tiến hành thâu tóm nhiều công ty
Hội đồng quản trị Tập đoàn Pan (HM:PAN) vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, doanh nghiệp này phát hành thêm gần 83,6 triệu cổ phiếu và chào bán hơn 104,4 triệu cổ phiếu.
PAN dự kiến thu về hơn 1.566,7 tỷ đồng từ đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu. Số tiền này được ưu tiên góp 55 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF) để đầu tư hạ tầng mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, PAN sẽ dùng 825 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên gồm Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFG (HM:VFG)), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT), Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - NSC), Công ty cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang... Trong đó, PAN dự kiến thâu tóm toàn bộ ABT - công ty thủy sản có quy mô trung bình trong ngành và 584 Nha Trang - đơn vị sở hữu thương hiệu nước mắm cá cơm cùng tên. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý III năm nay đến quý III/2025.
Tập đoàn PAN cũng sẽ đầu tư M&A các công ty mới trên thị trường, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm với nguồn vốn 400 tỷ đồng. Kế hoạch này được kỳ vọng mở rộng quy mô kinh doanh và hoàn thiện chuỗi giá trị của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực kể trên.
3. Xuất khẩu gỗ đã tăng trưởng trở lại
Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, VIFOREST cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước tính đạt 1,55 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ nguyên liệu (gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ công nghiệp, dăm gỗ) đạt 0,53 tỷ USD, tăng mạnh so với tháng 5/2021; xuất khẩu đồ gỗ ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng 5/2021.
Theo VIFOREST, kết quả xuất khẩu ngành gỗ còn có sự góp phần của các FTA thế hệ mới đã hỗ trợ ngành chế biến gỗ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia không có hiệp định.
Dự báo triển vọng thương mại quốc tế đối với đồ gỗ trong năm 2022 và 2023 cũng thuận lợi, nhưng vẫn còn nhiều bất ổn xuất phát từ hạn chế nguồn cung, chi phí năng lượng và các vấn đề về logistics.
Trước mắt, VIFOREST cùng các doanh nghiệp ngành gỗ đang tích cực lên phương án ứng phó với vụ kiện lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên nhân đến từ việc sản phẩm tủ gỗ Việt Nam được cho là sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc. Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra thông báo lùi thời hạn khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế mặt hàng tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam đến ngày 6/6/2022.