Đây là miếng thịt nhân tạo lớn nhất loài người từng nuôi cấy được: Thật bất ngờ, các nhà khoa học Nhật Bản đã "trồng" ra nó, nhờ một cái lõi máy lọc nước
12 giờ trước
Bởi vậy, đừng vội vứt lõi lọc cũ của máy lọc nước nhà bạn đi, bởi bây giờ, nó có thể được tái chế trong một ứng dụng hoàn toàn mới: Nuôi cấy thịt nhân tạo.
Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Tokyo, Nhật Bản mới đây cho biết họ đã đạt được một bước tiến đột phá trong lĩnh vực sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm, nhờ vào những vi ống lấy từ lõi máy lọc nước.
Những vi ống này có thể được biến thành mạch máu nhân tạo bên trong miếng thịt, nên thay vì thẩm thấu nước lọc, nó sẽ cho phép chất dinh dưỡng đi qua để nuôi miếng thịt lớn lên.
Ý tưởng này đã giúp các nhà khoa học Nhật Bản đi vào lịch sử khi trở thành những người đầu tiên nuôi được thịt gà nhân tạo dạng miếng 3D với kích thước lớn nhất từ trước đến nay (7.00 cm × 4.05 cm × 2.25 cm).
Trong so sánh, các nỗ lực nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm trong vòng 25 năm qua chỉ được thực hiện dựa trên công nghệ 1D (tạo ra các sợi thịt một chiều) và 2D (tạo ra các miếng thịt mỏng dưới 1 mm), rồi ép và viên chúng lại với nhau thành miếng lớn.
Sản xuất thịt nhân tạo dạng này rất tốn kém, cả về mặt thời gian lẫn chi phí, đồng thời miếng thịt tạo ra không đem lại được cảm giác cắn "ngập răng" như cấu trúc 3D của thịt thật.
Mark Post, nhà khoa học người Hà Lan, giám đốc khoa học của công ty sản xuất thịt nhân tạo Mosa Meat, cho biết: "Công trình này quả là một thành tựu kỹ thuật phi thường".
Năm 2013, Post chính là người nuôi cấy ra miếng thịt bò nhân tạo đầu tiên có thể kẹp vào một chiếc bánh hamburger. Nhưng kể từ đó tới nay, lĩnh vực này đang phát triển rất nhanh, với tốc độ lớn hơn cả định luật Moore.
Những miếng thịt nhân tạo đang lớn lên gấp đôi sau mỗi 13 tháng, trong khi, giá thành của chúng đã giảm xuống còn một nửa sau mỗi 8 tháng.
Bây giờ, đột phá của nhóm Nhật Bản được hi vọng sẽ mở ra một chương phát triển mới cho thịt nhân tạo, hướng đến thương mại hóa sản phẩm, tăng cơ hội chúng được chấp nhận bởi cả thị trường lẫn người tiêu dùng.
Năm 2013, miếng thịt bò nhân tạo đầu tiên được tạo ra bằng cách viên 20.000 miếng vụn thịt lại với nhau, công việc được thực hiện trong 2 năm, với chi phí 2,3 triệu USD/kg
Thịt nhân tạo, hay thịt nuôi cấy, là sản phẩm được tạo ra từ tế bào động vật trong phòng thí nghiệm mà không qua chăn nuôi truyền thống. Công nghệ này sử dụng các tế bào gốc hoặc tế bào mô, nuôi dưỡng trong môi trường giàu dinh dưỡng để phát triển thành các mô cơ cung cấp protein như thịt mà con người có thể ăn được.
Mục tiêu của thịt nhân tạo là cung cấp nguồn thực phẩm bền vững, giảm tác động môi trường từ chăn nuôi, như sử dụng đất, nước và phát thải khí nhà kính. Thịt nhân tạo cũng hứa hẹn mang lại lợi ích về mặt đạo đức, giảm việc giết mổ động vật, đồng thời đáp ứng nhu cầu protein trên toàn cầu.
Ý tưởng về thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã được nhen nhóm từ thời kỳ Thế chiến II, bởi một tù nhân chiến tranh người Hà Lan tên là Willem van Eelen.
Công nghệ nuôi cấy thịt nhân tạo được khởi sướng bởi Willem van Eelen., một cựu tù binh trong Thế chiến II
Eelen tham chiến cho quân đội Đồng Minh ở Indonesia, bị Đế quốc Nhật bắt làm tù nhân và nhiều lần bị bỏ đói. Năm 1945, đế quốc Nhật đầu hàng và bị giải giáp ở mặt trận Thái Bình Dương, Eelen được trả tự do.
Trở về Hà Lan, ông học đại học y và bắt đầu theo đuổi ý tưởng nuôi cấy thịt nhân tạo từ ký ức những năm bị bỏ đói. Thế nhưng mãi đến năm 2001, Eelen mới thành công với bằng sáng chế toàn cầu đầu tiên.
Ông nuôi thịt nhân tạo bằng cách sử dụng một ma trận collagen làm giàn giáo. Sau đó, Eelen gieo các tế bào cơ lên, ngâm tất cả vào một dung dịch dinh dưỡng để kích thích các tế bào cơ phân chia.
Kết quả của quy trình này đã tạo ra được những lát thịt mỏng dạng 2D nhưng có thể xếp chồng lên nhau trong ống nghiệm, thứ mà Eelen tuyên bố sẽ trở thành tương lai của nhân loại khi nó "không chứa mỡ, không chứa gân, xương và sụn", điều sẽ "loại bỏ quy trình lọc xương, nội tạng, gân, sụn và mỡ".
Năm 2013, một nhà khoa học người Hà Lan khác là Mark Post đã kế thừa công việc của Eelen, để tạo ra miếng thịt bò nhân tạo đầu tiên có thể được kẹp vào một chiếc bánh hamburger.
Có điều, Post đã làm điều đó một cách rất thủ công. Ông liên tục nuôi những vụn thịt trong ống nghiệm, trong liên tục 2 năm, rồi lấy tất cả chúng viên lại với nhau thành một bánh lớn.
Miếng bánh hamburger đầu tiên làm từ thịt nhân tạo.
Mỗi vụn thịt của Post năm đó chỉ dài 0,3 mm, và để tạo ra một miếng thịt bò 142 g, ông đã phải viên tới hơn 20.000 vụn thịt, tiêu tốn 325.000 USD, tương đương với mức giá 2,3 triệu USD cho mỗi kg thịt nhân tạo.
Chiếc hambuger làm từ thịt nhân tạo đầu tiên, được nấu bởi đầu bếp nổi tiếng Richard McGeown, vì vậy được coi là một chiến dịch marketing mang tính trình diễn đơn thuần hơn là ứng dụng.
Chắc chắn, sẽ không ai mua nổi nó. Thậm chí để có được chi phí sản xuất, Mark Post đã phải nhờ đến số tiền tài trợ của tỷ phú Sergey Brin, nhà đồng sáng lập Google.
Năm 2025 , các nhà khoa học đã có thể nuôi cấy 1 miếng thịt trong 1 lần duy nhất, mất vỏn vẹn 5 ngày với giá thành giảm xuống hàng trăm ngàn lần
Điều này được thực hiện sau khi một nhóm nghiên cứu tại Đại học Tokyo, Nhật Bản tuyên bố họ đã đạt được một bước tiến đột phá trong việc nuôi cấy thịt nhân tạo dựa trên vi ống.
Dù lĩnh vực nuôi cấy thịt nhân tạo đã có nhiều tiến bộ trong gần một phần tư thế kỷ qua, nhưng kể từ quy trình sản xuất thịt nuôi cấy của Willem van Eelen năm 2001, cho đến miếng thịt bò của Mark Post năm 2013, các sản phẩm này vẫn chỉ giới hạn ở dạng dải mỏng 2D hoặc sợi mỏng 1D dưới một milimet. Việc tạo ra miếng thịt dày hơn với kết cấu 3D cho cảm giác cắn và hương vị giống thịt thật vẫn là một thách thức lớn.
"Việc tái tạo kết cấu và hương vị của thịt nguyên miếng vẫn còn rất khó khăn", như kỹ sư y sinh Shoji Takeuchi từ Đại học Tokyo giải thích.
Kỹ sư y sinh Shoji Takeuchi từ Đại học Tokyo.
Thách thức này xuất phát từ việc khó đảm bảo phân phối chất dinh dưỡng trong mô đang phát triển. Không có mạng lưới mạch máu, quá trình khuếch tán chỉ cung cấp dinh dưỡng ở mức hạn chế.
Nuôi một miếng thịt lớn, thay vì dán các khối lại với nhau, là điều mong muốn vì nó giúp mô phỏng tốt hơn cấu trúc và kết cấu tự nhiên của thịt thông thường. Nhưng kỳ tích này vẫn là "một trong những thách thức lớn nhất trong lĩnh vực này", Amy Rowat, một nhà vật lý sinh học tại Đại học California, Los Angeles, người làm việc về thịt nuôi trong phòng thí nghiệm, cho biết.
Các tế bào cần liên tục nhận được chất dinh dưỡng và oxy để duy trì sức khỏe và phát triển. Ở động vật, mạch máu thực hiện công việc này, vận chuyển chất dinh dưỡng khắp mô.
Để giải quyết vấn đề này, Takeuchi và các đồng nghiệp đã phát triển một phương pháp mới nhằm nuôi dưỡng từng tế bào thịt một cách hiệu quả.
"Chúng tôi đã vượt qua khó khăn trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho các mô dày bằng cách sắp xếp các sợi rỗng với độ chính xác ở cấp vi mô", Takeuchi giải thích.
Tế bào thịt được gieo mầm lên những miếng vi ống như trong lõi máy lọc nước.
Tất cả sau đó được nhúng vào môi trường kiểm soát dinh dưỡng.
Sau 5 ngày, đây là kết quả thu được.
Hệ thống lắp ráp tự động bằng robot của nhóm có thể trang bị cho mỗi miếng thịt hơn 1.000 sợi rỗng, đảm bảo mọi tế bào thịt, dù ở vị trí sâu bên trong, đều được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
"Những sợi rỗng này vốn đã được sử dụng phổ biến trong máy lọc nước gia đình và máy chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận", Takeuchi cho biết. "Thật thú vị khi phát hiện chúng cũng có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc tạo ra mô nhân tạo và thậm chí là các cơ quan hoàn chỉnh trong tương lai."
Nhờ sự hỗ trợ của các sợi rỗng, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một miếng thịt gà có kích thước 7.00 cm × 4.05 cm × 2.25 cm, nặng 11 gram từ tế bào nguyên bào sợi gà, loại tế bào hình thành mô liên kết.
Các thử nghiệm cho thấy miếng thịt này có hàm lượng protein cao hơn, cho hương vị và kết cấu vượt trội so với các nỗ lực tạo ra thịt gà viên nhân tạo trước đây.
Thịt nhân tạo sẽ là tương lai của nhân loại và cả hành tinh
Các nhà nghiên cứu hướng tới việc phát triển thịt nuôi cấy vì lợi ích về đạo đức và môi trường. Chăn nuôi truyền thống đòi hỏi lượng lớn đất đai và nước; đặc biệt, chăn nuôi bò góp phần đáng kể vào biến đổi khí hậu.
Một ước tính cho thấy 30% tổng diện tích đất trên hành tinh đang được sử dụng để phục vụ ngành chăn nuôi. Đó là khoảng 70% tổng diện tích đất nông nghiệp trên thế giới. Khó hiểu bởi bạn sẽ nghĩ trồng trọt mới cần đất chứ không phải chăn nuôi.
Thế nhưng, hãy thử nhìn vào một nông trại nuôi bò. Trong khi đúng là những con bò chỉ được nhốt trong những ô chuồng chật hẹp, thì để cung cấp thức ăn đủ cho chúng, người ta sẽ cần những cánh đồng bạt ngàn chỉ trồng cỏ. Chăn nuôi ở một quy mô công nghiệp sẽ cực kỳ tốn diện tích.
Chưa hết, chăn nuôi là một ngành nông nghiệp, nhưng khi nói đến chăn nuôi quy mô lớn, đó lại là một ngành công nghiệp " đen khói ".
Một ước tính chỉ ra công nghiệp chăn nuôi phải chịu trách nhiệm cho 18% lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới. Trong so sánh, tất cả các phương tiện giao thông đang hoạt động mới chỉ thải ra 13,5% tổng tượng khí CO 2 .
Công nghiệp chăn nuôi cũng thải vào khí quyển 65% tổng lượng NO từ khi con người xuất hiện, 37% khí metan và 64% amoniac. Hầu hết những khí thải này đều gây hiệu ứng nhà kính, khiến Trái Đất ấm lên gấp nhiều lần CO 2 , ví dụ NO gấp 296 lần và metan gấp 23 lần.
Sản xuất thịt nhân tạo tốn ít diện tích hơn, vì chúng ta có thể tiết kiệm bằng cách tận dụng không gian cao tầng. Nó cũng sử dụng ít nước hơn và tạo ra ít khí thải nhà kính. Không có động vật sống thì sẽ không cần cho chúng uống nước và cũng không còn phân động vật nữa.
Một điều quan trọng không kém, động vật không sống nghĩa là chúng ta trút bỏ được gánh nặng đạo đức liên quan đến việc giết mổ. Ngoài ra, bằng cách kiểm soát các điều kiện nuôi cấy thịt, chúng ta có thể tạo ra nguồn thực phẩm dinh dưỡng hợp lý hơn, chẳng hạn thịt nhiều nạc và ít chất béo.
Bây giờ, trong so sánh, 1 kg thịt được sản xuất từ những con gà sống trong nông trại và 1 kg thịt được tạo ra trong phòng thí nghiệm, không khó để chúng ta nhận ra đâu mới nên là tương lai của nhân loại, và của cả hành tinh.
Vấn đề lúc này chỉ là liệu thịt nhân tạo có thể được sản xuất với giá rẻ và được chấp nhận bởi người tiêu dùng hay không?
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Nhật Bản đang cùng lúc giải quyết hai vấn đề đó. Một mặt, nếu thịt nhân tạo có thể được nuôi theo miếng, với sản lượng cao hơn, nó sẽ có giá thành rẻ hơn.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng chỉ với 10 tế bào sợi cơ, họ có thể tạo ra 50.000 tấn thịt nhân tạo trong vòng 2 tháng. Giá thành của thịt nhân tạo hiện nay cũng đã giảm xuống và được dự đoán chỉ còn khoảng 1,3 USD/ kg vào năm 2030.
Trong khi đó, thịt miếng dạng 3D sẽ giúp cải thiện cảm giác cắn và hương vị mà chúng mang lại. "Công nghệ của chúng tôi sẽ cho phép sản xuất thịt có cấu trúc với kết cấu và hương vị được cải thiện, có thể đẩy nhanh quá trình thương mại hóa thịt nhân tạo", Takeuchi khẳng định.
Chính phủ Hàn Quốc ngày 17/4 đã công bố quyết định khôi phục chỉ tiêu tuyển sinh trường y của quốc gia cho năm 2026 về mức trước đây là 3.058, giống như từ hai năm trước.
Tổng thống Donald Trump ngày 18/4 tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. Nhà Trắng ngày một tỏ rõ sự bất mãn với người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ.
Các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine rất "khó khăn", nhưng Nga vẫn cam kết giải quyết xung đột, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ngày 18/4.
Sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế 245% với Trung Quốc, máy bay Boeing 737 Max tại nhà máy của hãng ở Châu Sơn, Trung Quốc đã được triệu hồi về Mỹ, Boeing cũng tạm hoãn việc giao máy bay cho các khách hàng tại Trung Quốc.
Ấn Độ mơ ước trở thành công xưởng mới của thế giới. Tuy nhiên, các nhà sản xuất của nước này đang phải vật lộn vì tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề.
Doanh nhân này mới chỉ 30 tuổi. Trong bối cảnh thị trường IPO của Mỹ ảm đạm và một số nhà phân tích lo ngại về khả năng cổ phiếu Trung Quốc bị huỷ niêm yết trên Phố Wall, chuỗi cửa hàng trà...
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC – Mã: VDS) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý I, ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc cả về doanh thu và lợi nhuận. Đây được xem là quý kinh doanh khó khăn trong...
Sáng 19/4, tại hội thảo "Lựa chọn doanh nghiệp tốt", Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân chia sẻ cách xây dựng danh mục đầu tư hiệu quả dựa trên bộ tiêu chí lọc cổ phiếu, giúp nhà đầu tư cá nhân tiệm cận tư duy của tổ chức lớn.
Thời điểm Vingroup khởi công dự án diễn ra trong bối cảnh TP. HCM chuẩn bị hợp nhất hành chính với các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, trở thành siêu đô thị có GRDP ước đạt 114,3 tỷ USD.
TPBank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%, đồng thời tăng vốn điều lệ lên hơn 27.740 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
(ĐTCK) Sau tuần phục hồi, thị trường đã chuyển qua trạng giằng co và điều chỉnh nhẹ. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường trong tuần qua.
(ĐTCK) Nhà đầu tư ngoại đã có tuần giao dịch sôi động và bán ròng hơn 5.200 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với tuần trước, với tâm điểm là một cổ phiếu lớn bị bán ròng tới gần 4.500 tỷ đồng.
Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ diện tích 2.870 ha do Tập đoàn Vingroup đầu tư sẽ có tòa tháp cao 108 tầng, safari, công viên chủ đề, khu biệt thự hạng sang, các toà căn hộ cao cấp...
Ông Trần Minh Đạt, người từ Ngân hàng Quân đội (MB), sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của MIC sau khi ông Uông Đông Hưng từ nhiệm.
Cảnh báo rủi ro
Mọi ý kiến, tin tức, nghiên cứu, phân tích, giá cả hoặc thông tin khác có trên trang web này được cung cấp dưới dạng bình luận thị trường chung và không phải lời khuyên đầu tư.
Nội dung trên trang web này có thể thay đổi bất kỳ lúc nào mà không cần thông báo, và được cung cấp với mục đích duy nhất là hỗ trợ các nhà giao dịch đưa ra quyết định đầu tư độc lập.
Liên kết đến các trang web của bên thứ ba được cung cấp để thuận tiện cho bạn. Các trang web như vậy không nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi và có thể không tuân theo cùng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư, bảo mật hoặc khả năng truy cập như của chúng tôi.
Bạn nên biết tất cả các rủi ro liên quan đến giao dịch tài chính, chứng khoán hay tiền mã hoá và tìm kiếm lời khuyên từ một cố vấn độc lập nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào.
Bạn không nên chia sẻ nội dung trên trang web với người không đủ hiểu biết về thị trường tài chính.
Trang web đang được vận hành thử nghiệm nội bộ, không sử dụng vào mục đích thương mại.