Chủ tịch WB nhận định thương mại liên khu vực và thương mại song phương đã chứng kiến sự gia tăng trong những năm gần đây và "hạ thuế quan là điều tốt cho tất cả mọi người.”

Chủ tịch WB Ajay Banga phát biểu tại một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân 2025 của WB và IMF ở Washington, Mỹ ngày 22/4/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga đã khẳng định "hạ thuế quan là điều tốt cho tất cả mọi người,” đồng thời cho biết thương mại liên khu vực và thương mại song phương đã chứng kiến sự gia tăng trong những năm gần đây.
Phát biểu tại một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân 2025 của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), diễn ra tại Washington (Mỹ) ngày 22/4, ông Banga nhấn mạnh trong 10 năm qua, thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của các hiệp định thương mại song phương và khu vực.
Điển hình cho xu thế này là 2 hiệp định thương mại lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Theo ông Banga, những thỏa thuận này đã làm thay đổi căn bản cách thức vận hành của thương mại ở các quốc gia thành viên, mở ra nhiều cơ hội mới và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Thương mại giữa các nền kinh tế đang phát triển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn, với gần 50% lượng hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển có điểm đến tại các thị trường mới nổi khác.
Điều này thể hiện một sự chuyển dịch lớn trong bản đồ thương mại toàn cầu, nơi các nước đang phát triển ngày càng trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau, chứ không chỉ phụ thuộc vào các thị trường phát triển truyền thống.
Tuy nhiên, Chủ tịch WB cho rằng tiềm năng hội nhập khu vực sâu rộng hơn vẫn chưa được khai thác hết. Do đó, để tận dụng tối đa tiềm năng này, cần giảm chi phí thương mại, đơn giản hóa thủ tục biên giới, minh bạch hóa quy tắc xuất xứ - những yếu tố có thể thúc đẩy thương mại và hỗ trợ tăng trưởng ổn định, bền vững.
Người đứng đầu WB còn lưu ý đến thực trạng nhiều nước đang phát triển vẫn duy trì mức thuế nhập khẩu cao hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển, kéo theo nguy cơ trả đũa thuế quan, làm giảm năng lực cạnh tranh và cản trở hội nhập kinh tế toàn cầu.
Lịch sử cho thấy các nền kinh tế cởi mở hơn có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn, có khả năng chống chịu tốt hơn trước biến động, do đó, các nước cần tích cực đàm phán, đối thoại các vấn đề thương mại, cũng như tránh dựng lên các rào cản thương mại.