Cảng Quốc tế TIL vừa chính thức đi vào khai thác với chuyến tàu MSC đầu tiên, đưa Cảng Hải Phòng (PHP) tiến thêm bước dài trên bản đồ logistics quốc tế.
Chiều ngày 16/4/2025, tàu MSC Makalu III, chuyến tàu thương mại đầu tiên thuộc tuyến dịch vụ Orchid của Hãng tàu MSC, đã cập bến tại cầu số 3, 4 của Cảng Quốc tế TIL Cảng Hải Phòng (HTIT), thuộc khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện, huyện Cát Hải, Hải Phòng.
Việc chính thức đưa Cảng Quốc tế TIL Cảng Hải Phòng vào khai thác cho thấy năng lực hàng đầu khu vực của Cảng Hải Phòng, đồng thời khẳng định vai trò chủ lực, dẫn dắt của CTCP Cảng Hải Phòng tại miền Bắc.

Lãnh đạo Cảng Quốc tế TIL chào đón thủy thủ đoàn tàu MSC MAKALU III (Ảnh: Haiphong.gov.vn) |
HTIT là một trong năm cảng do CTCP Cảng Hải Phòng (UPCoM: PHP – công ty con của VIMC) trực tiếp quản lý và khai thác. Khi được đưa vào vận hành toàn diện, HTIT sẽ góp phần quan trọng giúp nâng thị phần hàng hóa qua cảng của CTCP Cảng Hải Phòng tại khu vực lên khoảng 40% đối với hàng container và 60% đối với hàng ngoài container.
Trước đó, vào ngày 1/4, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam đã chính thức ban hành Quyết định số 300/QĐ-CHHĐTVN về việc công bố mở bến cảng số 3 – khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Cảng Hải Phòng. Đây là bến nằm trong Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại khu bến cảng Lạch Huyện).
Dự án bao gồm 2 bến chính dài 750m, 1 bến sà lan dài 150m, hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Các bến có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 8.000 – 14.000 TEU, tương đương 100.000 – 160.000 DWT, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua 1,1 triệu TEU/năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 6.946 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhờ vị trí chiến lược tại khu vực phía Bắc, Hải Phòng đã trở thành “chảo lửa” thu hút sự hiện diện của những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực cảng biển Việt Nam như: Tân Cảng, VIMC, Gemadept, Hateco, Viconship, PHP..., khiến cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt.
VCBS cho rằng cụm cảng Hải Phòng sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn trong giai đoạn 2025–2026, khi nguồn cung tăng mạnh 34% so với công suất hiện tại, bao gồm: Lạch Huyện 3–4 của PHP (1,1 triệu TEU), Lạch Huyện 5–6 của Hateco (1 triệu TEU, giai đoạn 1) và đến năm 2026 sẽ có Nam Đình Vũ 3 của Gemadept (650.000 TEU).
Các cảng nằm phía hạ nguồn sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, đặc biệt là những cảng không có sự hợp tác với các hãng tàu.
Dù vậy, xét về dài hạn, ngành cảng Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, chính sách tăng khung phí dịch vụ bốc xếp theo Thông tư 39/2023, cũng như việc gia tăng công suất, xây mới và mở rộng năng lực tại các khu vực trọng điểm.
>> Cảng container quốc tế hiện đại nhất Việt Nam đi vào hoạt động, đối đầu trực tiếp VIMC, Gemadept, Viconship