
Chính sách thuế quan của Mỹ có thể khiến sản lượng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam suy giảm
Doanh nghiệp cảng biển nằm trong nhóm chịu tác động của chính sách thuế quan của Mỹ, vì cảng biển có mối quan hệ mật thiết với hoạt động xuất nhập khẩu.
Dự báo sản lượng xuất nhập khẩu sẽ giảm
Ngày 10/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày đối với hơn 70 nền kinh tế, bao gồm Việt Nam, trong thời gian tạm hoãn sẽ áp thuế nhập khẩu vào Mỹ ở mức 10%.
Trước đó, ngày 2/4/2025, Mỹ công bố mức thuế đối ứng áp dụng với 180 nền kinh tế, có hiệu lực từ ngày 9/4/2025. Một mức thuế 10% được áp dụng chung cho tất cả các đối tác thương mại. Đối với các nước có thâm hụt thương mại lớn Mỹ sẽ phải chịu mức thuế đối ứng cao hơn, có hiệu lực từ ngày 9/4/2025. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia bị áp thuế cao nhất, lên tới 46%.
Theo Cục Thống kê, Bộ Tài chính, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm 2025 đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7%. Có 18 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (gồm 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 59,9%). Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2025, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 31,4 tỷ USD.
Công ty Chứng khoán MB nhận định, chính sách thuế quan của Mỹ sẽ tác động lên 3 khía cạnh của nền kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, sức cạnh tranh của các mặt hàng chủ chốt của Việt Nam vào thị trường Mỹ như máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, may mặc, da giày… sẽ suy giảm, trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh trực tiếp chịu mức thuế thấp hơn. Thứ hai, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng là nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất, điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI sản xuất đang dịch chuyển vào Việt Nam theo chiến lược Trung Quốc + 1. Thứ ba, tỷ giá sẽ chịu thêm sức ép do Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu từ Mỹ nhằm thu hẹp thặng dư thương mại với nước này.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS đánh giá, doanh nghiệp ngành cảng biển và nhóm cổ phiếu ngành này bị ảnh hưởng không nhỏ bởi chính sách thuế quan của Mỹ, vì hoạt động xuất nhập khẩu hai chiều nhiều khả năng sẽ chậm lại. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ sẽ điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm, giá thành để hạn chế bị đánh thuế cao. Việc các doanh nghiệp rà soát lại hàng hóa khi xuất đi khiến sản lượng xuất khẩu có thể giảm, tốc độ đi hàng chậm lại, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp cảng biển.
“Việt Nam là quốc gia mạnh về chế xuất, nhập nguyên liệu, máy móc, trang thiết bị để chế xuất chứ không sản xuất trực tiếp nên thương mại nhập khẩu cao. Khi doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm xuất khẩu nhằm giảm ảnh hưởng của chính sách thuế quan, các mặt hàng nhập khẩu để sơ chế cũng sẽ giảm, kéo theo hàng nhập khẩu giảm”, ông Trương Hiền Phương phân tích.
Thực tế, xuất nhập khẩu - logistics - cảng biển có mối quan hệ mật thiết, khi sản lượng xuất nhập khẩu giảm sẽ làm giảm doanh thu ngành cảng biển.
Trong báo cáo Tác động từ thuế đối ứng của Mỹ đề xuất ngày 2/4/2025 đến Việt Nam, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) xếp cảng biển vào các nhóm ngành bị tác động tiêu cực (săm lốp, giấy, dệt may, thủy sản, gỗ, bất động sản khu công nghiệp). BSC đánh giá, sản lượng hàng container năm 2025 sẽ sụt giảm, do thị trường Mỹ chiếm gần một phần ba tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và 30% thông lượng hàng hóa qua các cảng của Việt Nam. Mức thuế mới sẽ ảnh hưởng đến ngành cảng biển, đặc biệt tại các cảng nước sâu (do chủ yếu khai thác tuyến dài đi Mỹ).
Gemadept trấn an cổ đông
Thị trường Mỹ chiếm gần một phần ba tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và 30% thông lượng hàng hóa qua các cảng của Việt Nam.
Thị trường chứng khoán ngày 10/4/2025 bật tăng trở lại khi Mỹ thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng, nhưng những phiên trước đó liên tục giảm sâu, trong đó nhóm cổ phiếu cảng biển gồm GMP, VSC, QNP, DXP, CTI, TCL… thường xuyên giảm giá sàn kể từ ngày 3/4 - sau khi Mỹ công bố thông tin về chính sách thuế mới - phản ánh tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư về triển vọng kinh doanh.
Trước diễn biến giá cổ phiếu lao dốc, Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD) đã lên tiếng trấn an cổ đông rằng, việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao với hàng hóa Việt Nam có thể dẫn đến các doanh nghiệp nước này tìm kiếm nguồn cung thay thế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đối với cụm cảng Nam Đình Vũ, hàng hóa đi Mỹ chỉ chiếm dưới 10% tổng sản lượng. Cụm cảng này chủ yếu xuất hàng hóa phục vụ các thị trường Nội Á.
Gemadept nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của giao thương Nội Á, đang được thúc đẩy do các quốc gia sẽ tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế Mỹ và xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc hơn. Theo đó, Gemadept có kế hoạch nâng tổng công suất toàn cụm lên 2 triệu TEU vào cuối năm nay, từ mức 1,3 triệu TEU hiện tại.
Đối với cảng nước sâu Gemalink, lượng hàng hóa đi Mỹ chiếm khoảng 32% trong năm 2024 và quý I/2025. Kể từ tháng 4/2025, Gemadept thu hút thêm 4 tuyến dịch vụ mới đi châu Phi, châu Âu, Canada và Brazil nên giảm tỷ trọng hàng đi Mỹ về khoảng 20%.
Trái ngược với luồng xuất khẩu, luồng hàng nhập khẩu từ Mỹ có thể không bị ảnh hưởng, thậm chí có tiềm năng tăng nhờ chính sách chủ động giảm thuế của Việt Nam và tăng cường mua các mặt hàng chiến lược.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nhu cầu cao về thiết bị năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, dược phẩm, máy móc công nghệ cao, nguyên liệu... Điều này mang lại cho Gemadept cơ hội tăng sản lượng từ hàng nhập của Mỹ, tạo đà triển khai cảng Gemalink giai đoạn 2 trong thời gian tới.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa công bố mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2025.
Vicoship dự kiến lợi nhuận sụt giảm
Công ty cổ phần Container Việt Nam (Vicoship, mã VCS) dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu 2.790 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 303 tỷ đồng, chia cổ tức 10%. So với kết quả đạt được năm 2024, Vicoship đặt mục tiêu đi ngang về doanh thu và giảm 42% về lợi nhuận trước thuế.
Tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (mã QNP), theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, mục tiêu kinh doanh năm nay là đạt doanh thu hợp nhất 1.390 tỷ đồng, tăng 18% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 195 tỷ đồng, tăng 20% so với mức thực hiện năm 2024.
Một doanh nghiệp ngành cảng biển khác là Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (PHP) đặt mục tiêu năm 2025 đạt doanh thu hợp nhất 3.650 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.353 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,7% và 12,8% so với mức thực hiện năm 2024.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của cả 3 doanh nghiệp trên đều được xây dựng trước khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng với Việt Nam.
Ngành cảng biển vẫn có triển vọng sáng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang cho biết: “Tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển gần 800 triệu tấn/năm. Với khả năng thông qua như vậy, với khả năng mà các bến của chúng ta có thể đón được các tàu lớn, tàu 200.000 tấn, thậm chí ở trong miền Nam có thể đón tàu 250.000 tấn và các tàu này đi thẳng vào bờ Tây nước Mỹ, đi châu Âu với giá thành vận tải xếp dỡ của Việt Nam đang thấp hơn sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh”.
Nhìn về dài hạn, ngành cảng biển Việt Nam được đánh giá vẫn có triển vọng tăng trưởng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cổ phiếu nhóm này đang chịu ảnh hưởng từ thuế quan nên ông Trương Hiền Phương khuyến nghị, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng danh mục nắm giữ đối với cổ phiếu cảng biển, chuyển qua nhóm ít chịu tác động hơn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản dân dụng…