Bayer định hướng xây dựng các phương pháp tiếp cận mới ở lĩnh vực ung thư, tim mạch và chẩn đoán hình ảnh nhằm nâng cao điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.
Ngày 24/3, tập đoàn Bayer tổ chức hội nghị báo chí thường niên về lĩnh vực dược phẩm năm 2023 tại Berlin (Đức). Tại đây, Bayer đã trình bày những phát triển mới trong danh mục giải pháp chăm sóc sức khỏe và công bố chiến lược tiếp theo trong tương lai.
Theo ông Christian Rommel, Thành viên Ban Điều hành nhánh Dược phẩm, kiêm Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Bayer, doanh nghiệp sẽ tập trung vào các dự án nghiên cứu về bệnh ung thư, tim mạch, thần kinh, các bệnh hiếm gặp và miễn dịch học. Song song đó, Bayer sẽ tiến hành đầu tư vào các nền tảng trí tuệ nhân tạo trong mảng y khoa và ứng dụng kỹ thuật số nhằm giúp tập đoàn sớm đạt mục tiêu dẫn đầu trong lĩnh vực tim mạch, ung thư và chẩn đoán hình ảnh.

Ông Christian Rommel (hàng dưới, thứ 2 từ trái sang) cùng các lãnh đạo Bayer thảo luận về các giải pháp mới. Ảnh: Thanh Thanh
Trong lĩnh vực ung thư, tập đoàn đã tăng gấp đôi danh mục sản phẩm ở lĩnh vực điều trị này trong 5 năm qua. Theo Bayer, đơn vị hiện có gần 1/3 danh mục dự án và các kế hoạch nghiên cứu dành cho các giải pháp điều trị ung thư ở tất cả các giai đoạn phát triển lâm sàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang phát triển giải pháp điều trị ung thư trong cả ba lĩnh vực gồm: dược phẩm phóng xạ nhắm trúng đích (liệu pháp alpha nhắm đích cụ thể), phương pháp tiếp cận ung thư miễn dịch thế hệ mới và ung thư phân tử chính xác.
Năm 2021, Bayer đã mua lại Vividion Therapeutics, một nền tảng tương tác phân tử protein (chemoproteomics) có khả năng xác định các nhóm liên kết chưa được biết đến trước đây trong các đích tác dụng không thể điều trị. Năm 2022, doanh nghiệp khai trương Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Bayer (BRIC) đặt tại Massachusetts (Mỹ). Đây là là trụ sở của nhóm nghiên cứu ung thư phân tử chính xác của Bayer, giúp thúc đẩy sự hợp tác với các trung tâm nghiên cứu như Tổ chức nghiên cứu The Broad Institute của Học viện Kỹ thuật Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Harvard.
"Chúng tôi đang đầu tư vào các phương pháp điều trị mới nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân ung thư; đồng thời, cam kết mang đến những loại thuốc tiên tiên dành cho nhóm bệnh này", bà Christine Roth, Thành viên Ủy ban Điều hành Nhánh Dược phẩm của Bayer, kiêm Trưởng Bộ phận Kinh doanh Chiến lược lĩnh vực Ung thư, nói thêm.
Ở lĩnh vực tim mạch, Bayer cho biết tiếp tục nghiên cứu các hướng tiếp cận mới trên nhiều phương thức khác nhau. Sau thương vụ thu mua công ty AskBio, doanh nghiệp hiện đang phát triển liệu pháp gene để điều trị chứng suy tim. Song song đó, đội ngũ Bayer cũng đang tiến hành nghiên cứu các thuốc ở bốn pha lâm sàng và một số thuốc ở giai đoạn tiền lâm sàng nhằm điều trị cho các bệnh Parkinson, Pompe và Huntington.
Theo ông Christian Rommel, Bayer đang lên kế hoạch tăng gấp ba lần về số lượng tiếp cận các phương thức mới trong danh mục đầu tư trong tương lai. Lợi thế này sẽ giúp Bayer nắm mục tiêu của các bệnh lý cũng như cơ chế gây bệnh mà trước đây không thể điều trị được.

Bayer kỳ vọng việc ứng dụng AI sẽ giúp tập đoàn thúc đẩy chiến lược khoa học dữ liệu và nâng cao khả năng phân tích chẩn đoán hình ảnh trên toàn chuỗi giá trị. Ảnh: Getty Images
Trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, Bayer đã mua lại nền tảng hình ảnh AI và nhà cung cấp giải pháp toàn cầu Blackford Analysis Ltd. Hành động này nhằm thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số trong việc chăm sóc sức khỏe, với mục đích mang lại giá trị đích thực cho các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và vì lợi ích của người bệnh.
Theo ông Gerd Krueger, Chủ tịch Khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bayer, bước đi này là một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Bayer. "Chúng tôi kỳ vọng sẽ thúc đẩy chiến lược khoa học dữ liệu và nâng cao khả năng phân tích trên toàn chuỗi giá trị", ông nói.
Hiện tại, Bayer đang hợp tác với các tập đoàn công nghệ như Google Cloud và đơn vị hàng đầu về công nghệ sinh học Recursion Pharmaceuticals, Inc. Đồng thời, doanh nghiệp cũng xây dựng đội ngũ nội bộ chuyên môn cao nhằm cải tiến việc nghiên cứu, hoạt động sản xuất và cung cấp các giải pháp sáng tạo phù hợp về y tế để đáp ứng các nhu cầu của người bệnh.
Thanh Hy