
Theo Dong Hai
Hợp đồng tương lai của chứng khoán Mỹ và các trái phiếu kho bạc giảm sau khi dữ liệu cho thấy thị trường lao động bùng nổ. Có vẻ như Phố Wall đang lo ngại sự tích cực của thị trường lao động có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mạnh hơn trong cuộc họp tiếp theo.
Hợp đồng S&P 500 giảm hơn 1% và lợi tức trái phiếu 2 Năm Hoa Kỳ tăng vọt lên 3,2% sau khi có thêm 528.000 việc làm vào tháng trước, cao hơn gấp đôi so với dự đoán của các nhà kinh tế. Tăng trưởng tiền lương cũng mạnh hơn dự đoán.
Báo cáo việc làm mạnh mẽ xác thực quan điểm của Fed về một nền kinh tế có khả năng phục hồi có thể chịu được các đợt tăng lãi suất tiếp theo. Các nhà giao dịch hiện đã điều chỉnh lại kỳ vọng đối với chính sách của Fed, với việc tăng 3/4 điểm phần trăm là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra hơn tại cuộc họp tháng 9.
Một số quan chức Fed trong tuần này đã nhắc lại quyết tâm của ngân hàng trung ương là chống lại lạm phát. Trong số đó có Chủ tịch Fed St Louis James Bullard, người đã nói rằng ông ủng hộ chiến lược tăng lãi suất mạnh mẽ. Lập trường này có lẽ sẽ được củng cố sau báo cáo việc làm.
Các chuyên gia phân tích đưa ra nhiều ý kiến trái chiều trong một báo cáo của Bloomberg về số liệu việc làm lần này. Theo Neil Dutta, trưởng bộ phận kinh tế tại Renaissance Macro Research, báo cáo việc làm này phù hợp với tỷ lệ lạm phát và Fed sẽ phải tích cực hơn trong việc đẩy lãi suất lên vì kịch bản hạ cánh khó xảy ra hơn thị trường suy đoán.
Còn theo Win Thin, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu tại Brown Brothers Harriman & Co thì nếu không có sự cố tồi tệ gì xảy ra, mức tăng 75 điểm cơ bản vào tháng 9 gần như chắc chắn.
Eric Theoret, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại Manulife Investment Management cho rằng số liệu việc làm này là một sự xác nhận rằng FED phải tiếp tục thắt chặt nữa và điều đó sẽ bất lợi cho các cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như cổ phiếu công nghệ dù nhóm này gần đây có hiệu suất khá tốt so với thị trường.
Tuy nhiên, cũng có những người tỏ ra hoài nghi về sự bền vững của thị trường việc làm. Trong số đó có Peter Boockvar, giám đốc đầu tư tại Bleakley Financial Group. Ông này cho rằng:
“Số liệu việc làm tuyệt vời và ăn khớp với tỷ lệ lạm phát nhưng khi điều này xảy ra cùng lúc GDP đang giảm, điều đó có nghĩa là năng suất đang giảm xuống. Ngoài ra, vì tốc độ sa thải đang ở mức cao nhất trong chín tháng, tốc độ tuyển dụng này không bền vững ”.
Mặc dù là tâm điểm trong ngày đối với các nhà giao dịch, báo cáo việc làm được cho là có ít giá trị đối với những người cho rằng suy thoái đang xảy ra vì đối với họ những số liệu này không thể hiện được những gì đang diễn ra trong hiện tại.
Thu nhập của công ty, kết hợp với tính thanh khoản thấp thường thấy trong mùa hè, đã đưa thị trường chứng khoán đi lên trong tuần này. Nhiều công ty đã đánh bại kỳ vọng và chứng minh rằng họ có thể đối phó với lạm phát cao và triển vọng kinh tế ảm đạm. Nhưng các nhà đầu tư đã tiếp tục thoái vốn khỏi cổ phiếu toàn cầu và đổ vào trái phiếu, theo các chiến lược gia của Bank of America Corp (NYSE:BAC)., những người nói rằng đã đến lúc rút lui khỏi chứng khoán Mỹ sau đợt tăng tháng Bảy.
Căng thẳng Mỹ-Trung cũng vẫn là một trong những yếu tố không chắc chắn bao trùm triển vọng thị trường. Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng hợp tác với Mỹ trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu và quốc phòng sau chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan trong tuần này. Trung Quốc cũng đã điều tàu chiến đi qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan một ngày sau khi có khả năng bắn tên lửa qua hòn đảo này.