Đại diện hãng bia đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á, do đó họ tập trung khai thác thị trường nội địa thay vì nghĩ đến ý tưởng bán bia ra nước ngoài. Tổng Giám đốc Lester Tan cũng khẳng định Công ty không có ý định niêm yết cổ phiếu ở thị trường quốc tế.
Sáng ngày 24/04, ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) đã được tổ chức. Tại thời điểm Đại hội bắt đầu, có 126 cổ đông tham gia đại diện cho hơn 1.19 tỷ cp, tương ứng 93.1% cổ phần có quyền biểu quyết của Doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc Lester Tan tại Đại hội Sabeco, sáng ngày 24/04/2025
Tại Đại hội, vị Tổng Giám đốc người Singapore – Lester Tan cho biết Sabeco hiện nay là hãng bia số 1 tại Việt Nam, nhưng ông khước từ cung cấp thông tin về thị phần.
Đại diện Công ty cho thấy sự cam kết ở thị trường nội địa, khi 2 lần khẳng định Sabeco hiện không nghiên cứu việc mở rộng ra nước ngoài.
“Xuất khẩu chỉ đóng góp 1% tổng sản lượng của chúng tôi. Đồng nghĩa Sabeco là công ty bia nội địa thuần túy. Hơn nữa, Việt Nam lại là thị trường bia lớn nhất tính theo tiêu thụ trên đầu người ở Đông Nam Á, nên chắc chắn chúng tôi cần tập trung để chiếm thị phần tại đây, hơn là xuất khẩu” – ông Lester chia sẻ.
Vị Tổng Giám đốc cũng xua tan tin đồn xoay quanh việc niêm yết Sabeco tại thị trường chứng khoán quốc tế, khi khẳng định rõ rằng Doanh nghiệp hoàn toàn không có ý định.
“Khiêu vũ dưới mưa”
Trong phần phát biểu mở đầu Đại hội, Tổng Giám đốc Lester Tan gọi thành tích năm 2024 của Sabeco là “khiêu vũ dưới mưa”, với doanh thu hợp nhất gần 31.9 ngàn tỷ đồng và lãi sau thuế gần 4.5 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 4.6% và 5.6%.
Trong năm này, hãng bia nội địa lớn nhất Việt Nam đã ra mắt sản phẩm bia mới là 333 Pilsner. Mới đây, bao bì mới cho bia Lạc Việt cũng được ra mắt.
Cho năm 2025, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu vượt 44.8 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.84 ngàn tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 9% và 8%. “Kế hoạch này chưa bao gồm những biến động, thách thức vừa xảy ra trong vài tuần qua... Điều đó khiến Sabeco phải nỗ lực hơn nhiều để vượt qua thách thức” – Ông Lester chia sẻ.
Hãng bia này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, gia tăng sản lượng, đảm bảo hiệu quả chuỗi cung ứng và cố gắng tiết giảm chi phí. Đại diện Doanh nghiệp cũng khẳng định luôn nghiên cứu đổi mới thương hiệu để ra mắt thêm sản phẩm, đồng thời cam kết tăng trưởng bền vững.
Đáng chú ý, ông Lester bày tỏ sự lạc quan về việc bán bia thông qua thương mại điện tử, gọi đây là cách thức bán hàng “còn tương đối nhỏ nhưng là kênh phân phối của tương lai”.
Vị này tiết lộ Sabeco cũng đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào việc định hướng các kế hoạch bán hàng.
“Chúng tôi có một số dự án về AI… Hy vọng các đại hội năm sau sẽ trao đổi nhiều hơn về chủ đề này khi mọi thứ đã phát triển” – ông nói.

Ban Chủ tọa Sabeco trả lời câu hỏi từ cổ đông tại Đại hội sáng ngày 24/04/2025
Sản lượng dự báo bị ảnh hưởng vì tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Ở một tương lai gần và rõ ràng hơn, cơn gió ngược quan trọng đối với hãng bia này là mức thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến áp lên các sản phẩm bia, rượu kể từ năm 2026. Tổng giám đốc Lester cho biết ông cùng đội ngũ đã và đang đối thoại với Hiệp hội bia và nước giải khát, cũng như với Bộ Tài chính để chia sẻ quan điểm của Sabeco.
Theo ông, thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho rượu bia là vấn đề phổ biến trên toàn cầu, nhưng điều này thường dẫn đến sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Về phần Sabeco, Tổng Giám đốc nói Công ty ủng hộ mức thuế tăng thấp hơn và thời gian triển khai áp dụng kéo dài hơn.
Bảng giá bia trên các kệ hàng và quán nhậu sẽ thay đổi. Ông Lester nói rằng Công ty dự kiến chuyển phần tăng của thuế tiêu thụ đặc biệt sang cho người tiêu dùng.
Mở rộng biên lợi nhuận ở dòng sản phẩm phổ thông, thị trường bia không cồn chưa hấp dẫn
Một xu hướng đang nổi lên là sự đón nhận nhiều hơn của một bộ phận người tiêu dùng với các sản phẩm đồ uống không cồn, nổi lên sau khi các quy định kiểm soát ngày càng chặt về nồng độ đối với người tham gia giao thông.
Trả lời câu hỏi từ cổ đông, Tổng Giám đốc Sabeco nhận định xu hướng này “không đến mức khiến mọi người từ bỏ đồ uống có cồn”. Ông chia sẻ rằng Công ty đã thực hiện khảo sát, trao đổi với khách hàng và nhận về câu hỏi: “Tại sao người ta lại muốn trả tiền cho đồ uống (bia) không có tí cồn nào?”
Tuy nhiên, xu hướng vẫn là người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm có nồng độ cồn thấp hơn. Ông Lester cho biết nồng độ cồn trong bia ngày nay chỉ ở mức 4%, trong khi khoảng một thập kỷ trước mức cồn cao hơn 5% là phổ biến. Các sản phẩm 333 Pilsner, Saigon Chill hay Lạc Việt của Sabeco đều được phát triển theo xu hướng này.
“Chúng tôi luôn xem xét, linh hoạt trong những đánh giá về đồ uống không cồn. Công thức về bia không cồn đã có, nhưng còn phải xem xét khi nào thị trường mới đón nhận…. Đồ uống không cồn lúc này chưa phải là ưu tiên của chúng tôi” – ông Lester đánh giá.
Nỗ lực của Sabeco đang đặt nhiều hơn vào việc cải thiện lợi nhuận thông qua cao cấp hóa các dòng sản phẩm hiện có. Tổng Giám đốc Lester cho biết Công ty luôn hướng tới việc cao cấp hoá, thay vì tung ra các dòng sản phẩm mới cạnh tranh trực tiếp với đối thủ là các công ty toàn cầu.
Điều này có nghĩa việc cao cấp hóa là nhằm tăng biên lợi nhuận cho dòng sản phẩm hiện hữu. “Chúng tôi nâng cấp thương hiệu dần dần, để có thể tối ưu hóa được sức mạnh hệ thống phân phối của mình…
Thực tế, thị trường bia lớn nhất cũng là đối với phân khúc phổ thông. Bia Sài Gòn Lager cũng là sản phẩm có sản lượng lớn nhất phân khúc này, cho nên đây là cơ hội để chúng tôi tiến hành cao cấp hóa sản phẩm hơn nữa” – ông Lester gợi mở.