Chủ tịch Fed Chicago cho rằng tình trạng mua tích trữ có thể khiến hoạt động kinh tế Mỹ sôi nổi trong tháng 4, sau đó sẽ sụt giảm.
Để tránh ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu do Tổng thống Donald Trump công bố, các chủ doanh nghiệp tại Mỹ bắt đầu tích trữ hàng hóa. Người tiêu dùng cũng đổ xô mua các mặt hàng đắt tiền để tránh giá tăng sau này. Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Chicago Austan Goolsbee, làn sóng mua sắm đột ngột này có thể khiến hoạt động kinh tế "tăng lên một cách giả tạo".
"Hoạt động mua đề phòng này có lẽ rất phổ biến ở các doanh nghiệp. Chúng tôi đã nghe nhiều về việc tích trữ hàng tồn kho, có thể cho 60 hoặc 90 ngày tới, nếu tình trạng bất ổn gia tăng", ông Goolsbee cho biết trong một chương trình của CBS hôm 20/4.
Việc các doanh nghiệp tích trữ hàng và người tiêu dùng đẩy nhanh quyết định mua sắm, ví dụ mua iPhone vào lúc này thay vì chờ đến mùa thu, có thể thổi phồng hoạt động kinh tế tại Mỹ trong tháng 4. "Hoạt động kinh tế có thể trông rất sôi động ban đầu, nhưng đến mùa hè sẽ sụt giảm vì mọi người mua hết rồi", Goolsbee dự báo.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Chicago Austan Goolsbee. Ảnh: Reuters
Theo ông Goolsbee, những ngành bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu của Tổng thống Trump, đặc biệt là ôtô, có thể ghi nhận tình trạng tích trữ hàng nhiều nhất. Hiện nhiều linh kiện ôtô, thiết bị điện tử và các mặt hàng tiêu dùng đắt tiền được sản xuất tại Trung Quốc - nơi toàn bộ hàng hóa hiện chịu tổng mức thuế 145% khi xuất khẩu sang Mỹ.
Mỹ đã hoãn áp dụng thuế đối ứng với các nền kinh tế khác, trừ Trung Quốc, trong 90 ngày. Hiện tại, sản phẩm của hầu hết đối tác thương mại chịu thuế 10% khi vào Mỹ. Thời gian tạm hoãn dự kiến kết thúc vào ngày 9/7, và ông Trump đang thúc đẩy đàm phán thương mại với các nước.
"Chúng ta không biết 90 ngày nữa, khi họ xem xét lại chính sách, mức thuế sẽ lớn đến thế nào", ông Goolsbee nói.
Một số chủ doanh nghiệp Mỹ nhập hàng từ Trung Quốc cho biết họ không đủ tiền đặt hàng trước. Matt Rollens CEO công ty chuyên sản xuất cốc uống Dragon Glassware (California) cho biết ông tạm thời phải để lại hàng ở Trung Quốc. Vì nếu đưa về Mỹ, họ phải chịu thuế nhập khẩu 145% và điều này đồng nghĩa giá bán lẻ tăng ít nhất 50%, khiến khách hàng ngừng mua. Rollens cho biết lượng hàng tồn kho tại Mỹ hiện đủ dùng đến tháng 6, và hy vọng thuế được rút lại trước thời điểm đó.
Dù đối mặt nhiều bất ổn và khó khăn tài chính ngắn hạn, Goolsbee vẫn bày tỏ lạc quan về triển vọng kinh tế dài hạn của Mỹ. "Hãy nhớ rằng các dữ liệu kinh tế trước tháng 4 khá tích cực. Nền kinh tế ở gần mức toàn dụng lao động và lạm phát đang giảm. Chỉ là người dân không muốn quay về thời kỳ năm 2021 và 2022, khi lạm phát hoàn toàn mất kiểm soát".
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)