Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu toàn hệ thống tăng 34.000 tỷ đồng, xử lý chưa tới một nửa. Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị sớm “luật hóa” 3 nội dung.
Ngày 18/4/2025, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức Tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024”.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng – cho biết Luật Các TCTD 2024 đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, nhưng không bao gồm quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm – một trong những công cụ pháp lý quan trọng từng được thí điểm theo Nghị quyết 42/2017/QH14, hiện đã hết hiệu lực từ 31/12/2023. Khoảng trống pháp lý này đang gây khó khăn lớn trong xử lý nợ xấu của các TCTD.
Theo ông Hùng, tỷ lệ thu hồi nợ liên quan đến tài sản bảo đảm năm 2024 chiếm khoảng 46,6%, trong khi tỷ lệ khách hàng tự nguyện trả nợ chỉ đạt 36%. Việc xử lý nợ thông qua VAMC hoặc thi hành án đạt kết quả rất thấp, chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng. Riêng 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu toàn hệ thống đã tăng khoảng 34.000 tỷ đồng, trong khi xử lý chỉ đạt 15.000 tỷ đồng – chủ yếu nhờ trích lập dự phòng rủi ro. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh và khả năng hỗ trợ dòng vốn cho nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Hiệp hội cũng cho rằng ý thức trả nợ của nhiều khách hàng chưa cao, không hợp tác bàn giao tài sản bảo đảm, khiến việc xử lý nợ bị kéo dài. Ông nhấn mạnh: “Đã vay thì phải trả. Không thể vì quyền lợi cá nhân mà tìm mọi cách trì hoãn hoặc né tránh nghĩa vụ trả nợ”.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: VNBA) |
>> Một quốc gia gây sốc khi tăng lãi suất lên 46% giữa khủng hoảng
Hiệp hội Ngân hàng đã đề xuất ba nhóm nội dung cần “luật hóa” trong dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi:
Quyền thu giữ tài sản bảo đảm: Đề xuất đưa vào luật quyền của TCTD được thu giữ tài sản khi người vay không trả nợ đúng hạn. Đồng thời, cần có quy định trách nhiệm phối hợp của chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ thi hành thu giữ tài sản bảo đảm.
Kê biên tài sản bảo đảm: Đề xuất bổ sung quy định rõ về quyền ưu tiên của TCTD với tài sản bảo đảm trong các bản án dân sự hoặc thi hành án khác, tránh tình trạng chồng chéo, kéo dài.
Hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật: Nhiều tài sản bảo đảm liên quan đến vụ án hình sự hoặc vi phạm hành chính bị tồn đọng nhiều năm do quy trình tố tụng phức tạp. Cần có cơ chế xử lý rõ ràng, rút ngắn thời gian để không làm ảnh hưởng đến dòng vốn tín dụng.
Ông Hùng khẳng định, việc sửa đổi luật là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cả ngân hàng và người đi vay, đồng thời giúp hệ thống tài chính lành mạnh hơn. Hiệp hội Ngân hàng đã đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước trong quá trình xây dựng dự thảo và Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Các TCTD tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sắp tới.
>> VietinBank lên kịch bản đối phó nợ xấu ra sao trong năm 2025?