Giá các sản phẩm thép tại Nhật Bản đã giảm mạnh đến mức, tính theo trọng lượng, thậm chí còn rẻ hơn cả nước đóng chai – hệ quả từ cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà phân phối, làm suy yếu những nỗ lực tăng giá của các nhà sản xuất thép, theo Nikkei Asia.
Theo dữ liệu của Nikkei POS, giá trung bình một chai nước khoáng 1 lít của Suntory Beverage & Food vào tháng 3 đạt 156 yên (1,09 USD), tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tại khu vực Tokyo, giá phân phối thép tấm cán nguội dày 1,6mm – loại được sử dụng phổ biến trong sản xuất công nghiệp – hiện ở mức khoảng 141.500 yên mỗi tấn. Tính ra mỗi kg (tương đương 1 lít nước) là khoảng 141,5 yên, tức thấp hơn gần 15 yên so với nước khoáng.
Tương tự, giá thép tấm cán nóng 1,6mm chỉ vào khoảng 117,5 yên/kg. Cả hai loại thép này đều rẻ hơn 4% - 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong ngành thép Nhật Bản từng tồn tại câu nói phổ biến: “Sắt còn rẻ hơn nước.” Với hệ thống sản xuất quy mô lớn, các nhà sản xuất từng rơi vào tình trạng cạnh tranh gay gắt, dẫn đến việc chấp nhận lợi nhuận thấp để bán được khối lượng lớn.
Một bước ngoặt đã xảy ra vào năm 2020, khi các hãng lớn bắt đầu cải tổ. Nippon Steel đã tạm dừng hoặc đóng cửa nhiều lò cao trên cả nước, giảm từ 15 xuống còn 10 lò vào tháng trước. JFE Steel cũng đã ngừng một lò cao trong năm 2023.
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tổng công suất sản xuất thép thô hàng năm của nước này tính đến tháng 2/2025 là 110 triệu tấn, giảm khoảng 13 triệu tấn (10%) so với năm 2019.
Việc cắt giảm công suất giúp giảm tình trạng dư thừa, chấm dứt các cuộc chiến giá trước đây và giúp giá thép vượt qua giá nước vào khoảng năm 2021.
Tuy nhiên, tác động từ các cải cách này giờ đây đã suy yếu, giá thép lại đang trên đà giảm. Một nguyên nhân chính là cuộc cạnh tranh giá giữa các nhà phân phối.
“Vì có quá ít đơn hàng, chúng tôi buộc phải bán giá thấp,” một lãnh đạo công ty thép tại Urayasu, tỉnh Chiba (gần Tokyo) cho biết. Trong lĩnh vực xây dựng – nơi tiêu thụ thép lớn nhất – hoạt động đang chậm lại do thiếu lao động. Nhu cầu từ ngành ô tô và sản xuất công nghiệp cũng sụt giảm.
“Nhiều nhà phân phối đang cạnh tranh nhau trong số lượng đơn hàng hạn chế,” người này nói. “Họ nghi ngờ lẫn nhau và muốn bán trước khi đối thủ giảm giá tiếp, khiến thị trường sụp đổ.”
Một nhân viên kinh doanh tại công ty sản xuất thép cho biết: “Một số nhà phân phối nhận hợp đồng với giá còn thấp hơn giá bán của nhà sản xuất, rồi sau đó yêu cầu nhà sản xuất giảm giá.”
Sau hàng loạt thương vụ hợp nhất, số nhà sản xuất thép có lò cao hiện chỉ còn ba: Nippon Steel, JFE và Kobe Steel.
Tuy nhiên, hệ thống phân phối vẫn rất phức tạp, với khoảng 1.400 đại lý được ủy quyền trên toàn quốc. Theo Recof Data, chỉ có 24 thương vụ M&A trong ngành bán buôn sản phẩm thép và kim loại màu trong năm ngoái – một con số gần như không thay đổi trong suốt 20 năm, so với mức tăng 20% của hoạt động M&A trên toàn quốc.
“Nhiều nhà phân phối thép sở hữu đất tại trung tâm thành phố, và vì có nguồn thu từ bất động sản nên họ không cảm thấy áp lực cải tổ hay đóng cửa, dù hoạt động chính đang bị lỗ,” một nhà nghiên cứu tại ngân hàng lớn nhận định.
Vấn đề số lượng nhà phân phối quá nhiều đã được nhắc đến từ lâu. Trong một bài phát biểu tại sự kiện của Hiệp hội phân phối thép hồi tháng 6/2024, Chủ tịch kiêm CEO Nippon Steel – ông Eiji Hashimoto – nhấn mạnh “việc tái cấu trúc và tinh gọn hệ thống phân phối là điều không thể tránh khỏi.”
Khi sự cạnh tranh trên khâu sản xuất đã được giảm bớt, gánh nặng cải cách được chuyển sang hệ thống phân phối.
“Nếu các nhà phân phối không tiến tới tập trung hóa hơn, ngành thép sẽ khó có thể ưu tiên lợi nhuận,” ông Atsushi Yamaguchi – chuyên gia cấp cao tại SMBC Nikko Securities – nhận định.
Ngành thép Nhật Bản hiện còn đối mặt với mối đe dọa từ bên ngoài – điển hình là mức thuế bổ sung 25% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên các sản phẩm thép và ô tô nhập khẩu. Thép Nhật không chỉ được xuất khẩu trực tiếp, mà còn được dùng để sản xuất ô tô và sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, khiến ngành bị ảnh hưởng kép.
Ông Yamaguchi ước tính trong tổng số 83 triệu tấn thép thô sản xuất hàng năm tại Nhật, có 34,4 triệu tấn được xuất khẩu trực tiếp và khoảng 20 triệu tấn phục vụ xuất khẩu gián tiếp.
“Nếu các mức thuế của ông Trump và chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu tiếp tục, trong kịch bản xấu nhất, nhu cầu có thể giảm 4 triệu tấn mỗi năm, bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp,” ông nói – con số tương đương công suất của một lò cao lớn.
Các nhà sản xuất đã bắt đầu phản ứng. Ngày 2/4, JFE cho biết sẽ tạm dừng một lò cao vào giữa tháng 5. Một số người trong ngành dự báo, nếu kinh tế tiếp tục khó khăn, các đợt cắt giảm quy mô lớn hơn có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu hệ thống phân phối không thay đổi, hiệu quả của các biện pháp đó đối với giá thép sẽ rất hạn chế.