Đối tượng vay vốn trong chương trình là khách hàng có dự án hoặc phương án phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Ngày 15/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn đề nghị các ngân hàng thương mại triển khai chương trình tín dụng với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Đây là động thái thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng nhằm hỗ trợ vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này, đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận vốn từ chương trình trước đó chỉ giới hạn cho lâm sản và thủy sản.
Đối tượng được vay vốn là khách hàng có dự án hoặc phương án phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Chương trình sẽ được triển khai cho đến khi tổng doanh số cho vay đạt mốc 100.000 tỷ đồng, theo mức đăng ký của các ngân hàng thương mại.
Danh sách các ngân hàng tham gia bao gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam A Bank, OCB, Eximbank, BVBank, SHB, VietBank và HDBank. Các ngân hàng này sẽ thống kê kết quả triển khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo.
Ngoài 15 ngân hàng thương mại nêu trên, NHNN cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng khác tham gia chương trình nếu có nhu cầu, theo hướng dẫn hiện hành.
Được biết, gói tín dụng lâm, thủy sản được xây dựng với trị giá 15.000 tỷ đồng vào giữa tháng 7/2023. Với tốc độ giải ngân tốt, sau đó được nâng lên 60.000 tỷ đồng trong năm 2024.Chương trình cho vay lâm, thủy sản được triển khai với lãi suất ưu đãi của chương trình thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất thông thường.
Không riêng lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, gần đây nhất NHNN đã tổ chức cuộc họp với các ngân hàng thương mại nhằm thảo luận kế hoạch triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số.
Theo đó, các ngân hàng đều bày tỏ đồng thuận với chủ trương và sẵn sàng huy động nguồn lực để triển khai hiệu quả chương trình. Một số ý kiến đề xuất cần xây dựng cơ chế linh hoạt hơn, như góp vốn và chia sẻ lợi ích thay vì chỉ áp dụng hình thức cho vay truyền thống.
Đồng thời, các ngân hàng cần công khai mức lãi suất áp dụng và thời gian ưu đãi rõ ràng. Thời gian giải ngân của chương trình kéo dài đến năm 2030 hoặc đến khi hết vốn.