Thủ tướng Sri Lanka đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng.Lạm phát có thể tăng lên ngưỡng 40% trong một vài tháng tới.Cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay và vòi rồng để ngăn cản hàng trăm sinh viên biểu tình trong ngày 19/5.
Thủ tướng Sri Lanka đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng trong bối cảnh quốc đảo này đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, đồng thời cam kết chính phủ sẽ nhập khẩu đủ lượng phân bón cần thiết phục vụ cho vụ mùa tiếp theo nhằm nâng cao năng suất.
Quyết định cấm nhập khẩu phân bón được đưa ra hồi tháng 4/2021 bởi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã khiến cho năng suất mùa vụ tại Sri Lanka sụt giảm mạnh. Dù lệnh cấm đã được chính phủ rút lại sau đó, nhưng lượng phân bón nhập khẩu vẫn tương đối hạn chế.
“Việc nhập khẩu phân bón cho mùa vụ Yala (kéo dài từ tháng 5 tới tháng 8) hiện tại là quá muộn, nhưng chính phủ đang nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn cung phân bón cho mùa vụ Maha (kéo dài từ tháng 9 tới tháng 3 năm sau)”, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe chia sẻ trên mạng xã hội Twitter.
“Tôi mong muốn mọi người chấp nhận sự thật này”, ông viết.
Bạo loạn nổ ra tại Sri Lanka khi người biểu tình yêu cầu phế truất thủ tướng và tổng thống. Ảnh: Reuters.
Sri Lanka đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ, nhiên liệu, dược phẩm nghiêm trọng. Hoạt động kinh tế tại quốc gia này cũng đang bị đình trệ.
“Không từ ngữ nào có thể miêu tả hết sự khó khăn tại đây”, theo A.P.D. Sumanavathi, một phụ nữ 60 tuổi, làm nghề bán hoa quả và rau củ tại chợ Pettah, thành phố Colombo. “Tôi không thể biết mọi chuyện sẽ như thế nào sau hai tháng nữa. Nếu tình hình hiện tại tiếp diễn, có lẽ chúng tôi sẽ chẳng còn ở đây để nói chuyện với các vị nữa”, bà nói.
Gần đó, một hàng dài người dân đang chờ mua gas. Giá mặt hàng này đã tăng phi mã trong thời gian qua.
“Cửa hàng có khoảng 200 bình, trong khi có tới 500 người đứng đợi”, Mohammad Shazly, một lái xe, người đã xếp hàng tới ngày thứ 3 mới có thể mua được một bình gas để nấu ăn cho gia đình có tới 5 thành viên.
“Không có gas, không có dầu hỏa, chúng tôi chẳng thể làm gì”, anh nói. “Và cuối cùng thì sao? Nếu không có thức ăn, chúng tôi sẽ chết. Điều đó chắc chắn sẽ xảy ra”.
Thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka cho biết nguồn dự trữ ngoại tệ của quốc gia này phần nào được cải thiện sau khoản vay từ Ngân hàng Thế giới bên cạnh đó là khoản tiền kiều hối gửi về nước trong thời gian qua. Số tiền này sẽ được sử dụng để nhập khẩu nhiên liệu và khí đốt, tuy nhiên nguồn cung vẫn sẽ rất hạn chế.
Lạm phát có thể tăng lên ngưỡng 40% trong một vài tháng tới trước áp lực nguồn cung hàng hóa, trong khi những biện pháp đang được áp dụng bởi ngân hàng trung ương và chính phủ chỉ góp phần kiểm soát lạm phát do cầu kéo.
Trong tháng 4, lạm phát tại Sri Lanka chạm ngưỡng 29,8%, giá thực phẩm tăng 46,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Sự tức giận của người dân đã lên tới đỉnh điểm. Cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay và vòi rồng để ngăn cản hàng trăm sinh viên biểu tình trong ngày 19/5. Người biểu tình yêu cầu phế truất tổng thống và thủ tướng.
Sự tức giận của người dân đã lên tới đỉnh điểm. Ảnh: Reuters.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka nổ ra dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, khiến cho ngành du lịch của quốc gia này lao đao, bên cạnh đó là đà tăng giá dầu toàn cầu và chính sách cắt giảm thuế của chính phủ Tổng thống Rajapaksa và em trai Mahinda, người vừa từ nhiệm chức thủ tướng hồi tuần trước.
Nhóm các nền kinh tế G7 ủng hộ những nỗ lực giảm, xóa nợ đối với Sri Lanka, theo các bộ trưởng trong khối.
P. Nandalal Weerasinghe, Thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka, cho biết các kịch bản tái cấu trúc nợ đã gần được hoàn thiện và ông sẽ sớm trình bản dự thảo lên chính phủ.
“Rủi ro vỡ nợ luôn trực chờ”, ông nói. “Chúng tôi sẽ không thể thanh toán các khoản nợ cho tới khi chúng được cơ cấu lại”.
Người phát ngôn Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết cơ quan này đang theo sát tiến trình này và Sri Lanka phải hoàn thành các phiên đàm phán kỹ thuật liên quan tới chương trình vay vốn vào ngày 24/5 tới.