Trái phiếu châu Á dường như có khả năng phục hồi tốt hơn trái phiếu Mỹ.
Phần lớn trái phiếu châu Á tăng là nhờ các ngân hàng trung ương khu vực nới lỏng lãi suất. Trong khi đó, chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump làm lung lay niềm tin vào tài sản an toàn của Mỹ.
Thuế quan Mỹ 145% áp lên hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc đã khiến thị trường chao đảo trong tuần trước. Cổ phiếu toàn thế giới giảm sau đó hồi phục nhẹ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng làm dấy lên lo ngại về suy thoái toàn cầu.
Nhà quản lý danh mục đầu tư Sriram Reddy tại quỹ đầu cơ giao dịch công khai lớn nhất thế giới Man Group cho biết: “Tin tức từ chính sách thuế quan khiến nhà đầu tư càng cần lựa chọn kỹ lưỡng trong phân bổ tín dụng, vì không phải doanh nghiệp nào cũng có mức tín nhiệm giống nhau”.
Ông cho rằng những biến động gần đây là lời nhắc cho nhà đầu tư nên mở rộng tầm nhìn ra toàn cầu thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ.
Theo dữ liệu từ TD Securities, các quỹ trái phiếu Mỹ ghi nhận dòng tiền rút ròng 9,6 tỷ USD trong tuần tính đến ngày 9/4, mức rút lớn nhất trong nhóm thị trường phát triển. Trái lại, các quỹ trái phiếu châu Á ghi nhận dòng tiền chảy vào là 753 triệu USD. Nhóm thị trường mới nổi chung vẫn ghi nhận mất 3,6 tỷ USD.
Chiến lược gia vĩ mô thị trường mới nổi Chris Kushlis tại T. Rowe Price (London), nhận định chính sách thuế của ông Trump sẽ là lực cản lớn với tăng trưởng kinh tế châu Á, gây áp lực giảm giá hàng hóa và từ đó làm giảm lạm phát.
Ông nói: “Chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng trung ương châu Á sẽ đẩy nhanh tiến độ cắt giảm lãi suất để ứng phó với áp lực này. Và điều đó sẽ hỗ trợ cho thị trường trái phiếu khu vực”.
Ngân hàng Trung ương Singapore vừa nới lỏng chính sách tiền tệ vào đầu tuần này, chưa đầy một tuần sau khi Philippines và Ấn Độ hạ lãi suất.
Theo nhà quản lý danh mục Norbert Ling tại Invesco (Singapore), trong bối cảnh tâm lý e ngại rủi ro, trái phiếu châu Á có xếp hạng tín nhiệm cao vẫn giữ được độ vững và vượt trội so với trái phiếu Mỹ. Ông cho biết biên độ tín dụng (credit spread) của trái phiếu châu Á mở rộng ít hơn so với trái phiếu Mỹ. Biên độ tín dụng càng rộng chứng tỏ rủi ro càng lớn.
“Yếu tố then chốt tạo nên sự ổn định của trái phiếu châu Á là hơn một nửa chỉ số trái phiếu của khu vực được xếp hạng A, tức rủi ro vỡ nợ thấp và chất lượng tín dụng cao”, ông nói.
Ông Ling cho biết sau đợt bán tháo gần đây, mức chênh lệch rủi ro giữa trái phiếu hạng BB và BBB tại châu Á đã tăng gấp đôi, lên mức 250 điểm cơ bản.
“Nếu nhà đầu tư tìm kiếm trái phiếu chất lượng và tỷ lệ vỡ nợ thấp, thì thị trường tín dụng châu Á là một lựa chọn rất đáng cân nhắc. Điều này đang được trao đổi nhiều với khách hàng”, ông nói.
Ông Kushlis cho rằng thuế của ông Trump sẽ khiến các nhà phát hành trái phiếu USD tại châu Á phải chọn lọc hơn, mức độ thận trọng sẽ tùy thuộc vào từng doanh nghiệp.
Ông nhận định các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ phần cứng, bán dẫn và chuỗi cung ứng ô tô sẽ có mức độ phụ thuộc lớn vào Mỹ, từ xuất khẩu trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chu kỳ có thể chịu ảnh hưởng bởi tăng trưởng chậm, khối lượng thương mại giảm và sự bất định về đầu tư vốn.
Tuy nhiên, ông cho rằng các nhà phát hành trong lĩnh vực tài chính, hạ tầng và tiện ích sẽ phần nào miễn nhiễm với các tác động tiêu cực.
Ông kết luận: “Chúng tôi dự đoán thị trường trong thời gian tới sẽ biến động mạnh hơn và phân hóa rõ rệt, mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư chủ động và biết cách lựa chọn tài sản phù hợp”.
Theo Nikkei Asia