Giá vàng trong nước tăng lên 120 triệu đồng/lượng đã nới rộng mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới từ khoảng 3-5 triệu đồng lên 16 triệu đồng mỗi lượng, tương đương với ngưỡng trước khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp.
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên tới 16 triệu đồng/lượng
Giá vàng hôm nay tiếp tục đà tăng mạnh, với SJC tăng 2 triệu đồng/lượng so với ngày hôm qua lên 120 triệu đồng, tính đến 14h ngày 18/4. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Còn chiều mua vào, giá tăng 1,5 triệu đồng/lượng lên 117 triệu đồng/lượng, khoảng cách mua - bán lên tới 3 triệu đồng/lượng.

Nguồn: Doji (H.Mĩ tổng hợp)
Giá vàng thế giới hiện cũng đang giao dịch quanh mức kỷ lục 3.326 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD yếu và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Quy đổi ra VND, giá vàng thế giới ở mức 104 triệu đồng/lượng.
Như vậy, mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới đã bị kéo giãn từ khoảng 3-5 triệu đồng/lượng nhờ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lên mức trước khi được can thiệp là 16 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết hiện tượng giá vàng trong nước cao hơn so với thế giới có nguyên nhân chính là do thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường vàng quốc tế. Điều này khiến giá vàng trong nước và thế giới không đồng nhất.
Nguyên nhân sâu xa của sự thiếu liên thông này là tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất có quyền nhập khẩu vàng và mua vàng từ nước ngoài. Các đơn vị kinh tế khác không được phép chính thức nhập khẩu vàng.
Bên cạnh nguồn vàng chính thức, còn có một nguồn vàng không chính thức là vàng lậu, nhưng nguồn cung này hiện tại vẫn chưa được kiểm soát đầy đủ. Chính vì vậy, dù có một nguồn vàng không chính thức, nhưng nó vẫn cung cấp vàng rất hạn chế.
Trong khi đó, NHNN đã ngừng nhập khẩu vàng trong nhiều năm qua, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung vàng chính thức để đáp ứng nhu cầu trong nước. Điều này càng đẩy giá vàng trong nước lên cao, vì sức cầu đang ngày càng mạnh mẽ, một phần do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư và tác động từ thị trường vàng quốc tế.
Trước đây, vào khoảng tháng 5, tháng 6 năm ngoái, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã từng lên tới 18-20 triệu đồng mỗi lượng. Nhờ vào các chính sách bình ổn giá của Ngân hàng Nhà nước, mức chênh lệch này đã được giảm xuống còn khoảng 3-5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước lại bật tăng mạnh hơn.
Hiện nay, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã lên tới 16 triệu đồng mỗi lượng và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Nếu không có biện pháp can thiệp, mức chênh lệch này có thể sẽ tiếp tục gia tăng và có thể dẫn đến những hệ lụy, trong đó có tình trạng buôn lậu vàng.

Nguồn: Investing, Doji (H.Mĩ tổng hợp)
“Chính vì vậy, tôi cho rằng NHNN và chính phủ cần có những biện pháp can thiệp kịp thời để kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, tránh tạo ra những tác động tiêu cực cho thị trường và nền kinh tế”, ông Hiếu nhận định.
Giải pháp nào thu hẹp khoảng cách vàng trong nước và thế giới?
Hiện tại, NHNN đang sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng. Có nhiều kỳ vọng rằng sau khi Nghị định mới được ban hành sẽ giúp giảm khoảng cách vàng trong nước và thế giới một cách bên vững.
Theo ông Hiếu, điều đầu tiên là NHNN nên từ bỏ vai trò là nhà nhập khẩu vàng duy nhất và chuyển sang vai trò quản lý, đứng ngoài quan sát thị trường. Việc nhập khẩu vàng có thể giao cho các nhà kinh doanh vàng có uy tín và năng lực tài chính, thay vì để Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu vàng này vẫn cần hoạt động dưới sự giám sát và chỉ đạo của NHNN, có thể thông qua việc cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng mỗi năm. Việc này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được lượng vàng nhập khẩu và đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động vàng miếng.
Điều thứ hai là để tạo ra một sân chơi công bằng và thúc đẩy sự cạnh tranh trong thị trường vàng. Ông cho rằng NHNN cần rút lại thương hiệu quốc gia đối với vàng miếng, chẳng hạn như vàng miếng SJC. Việc này sẽ giúp các sản phẩm vàng được cạnh tranh bình đẳng, từ đó giảm tình trạng vàng SJC luôn được tôn trọng hơn và có giá cao hơn so với các sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, ông cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý cần nghĩ đến việc thành lập một sàn giao dịch vàng. Tất cả các giao dịch vàng nên được thực hiện qua sàn giao dịch chính thức, thông qua sàn giao dịch, các nhà kinh doanh vàng có thể phát hành chứng chỉ vàng thay vì mua bán vàng vật chất.
Các nhà kinh doanh vàng phải có trụ sở hợp pháp, đủ vốn điều lệ và đáp ứng các tiêu chí của cơ quan quản lý. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng mà còn giúp đảm bảo chất lượng vàng.
“Hiện nay, khi người dân muốn mua vàng, họ thường phải tới tiệm vàng, nơi không thể tránh khỏi những rủi ro như trộm cắp hay cướp bóc khi mang vàng về nhà. Hơn nữa, việc mua vàng qua các kênh không chính thức, chẳng hạn như online hay từ các thị trường trôi nổi, khiến người mua gặp phải rủi ro lớn, nhất là không thể xác định chất lượng vàng.
Việc hình thành một sàn giao dịch vàng sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro này. Người dân có thể giao dịch vàng qua các phương tiện điện tử, đảm bảo rằng tài sản của họ là hợp pháp và chất lượng vàng được đảm bảo”, ông Hiếu nhận định.
Với sự biến động mạnh của thị trường vàng hiện nay, ông Hiếu cho rằng việc thành lập một sàn giao dịch vàng là rất cấp thiết. Điều này không chỉ giúp ổn định thị trường vàng trong nước mà còn thúc đẩy ngành chế tác vàng trang sức, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho quốc gia.