
Theo Dong Hai
Thị trường Việt Nam hôm nay với 3 tin tức đáng chú ý: Điểm mới về quy định vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí? Chỉ số tâm lý người tiêu dùng giảm trong tháng 11/2022 và Tỷ giá USD ngày 16/11: Giá bán USD ngân hàng không đổi… Dưới đây là nội dung chính.
1. Điểm mới về quy định vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí?
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí. Trong đó, hoạt động lấy ý kiến được chia thành 2 yếu tố: phương án quy định về vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí và phương án đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Về phương án quy định về vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí, cụ thể có 2 phương án:
- Phương án 1: Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận thu được từ dự án dầu khí ở nước ngoài được giữ lại để thực hiện đầu tư ở nước ngoài. Tiền và tài sản hợp pháp khác theo quy định gồm: Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật; Đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam; Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm; Giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, thương hiệu, quyền đối với tài sản; Cổ phần, phần vốn góp, dự án của nhà đầu tư được hoán đổi tại tổ chức kinh tế ở Việt Nam và tổ chức kinh tế ở nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều này; Lợi nhuận thu được từ dự án dầu khí ở nước ngoài được giữ lại để tái đầu tư; chi phí thu hồi, lợi nhuận trả cho đối tác gánh vốn theo phương án đầu tư; Các tài sản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật dân sự. Vốn đầu tư ra nước ngoài được dùng để góp vốn, cho tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay vốn, thanh toán tiền mua cổ phần, mua phần vốn góp, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh (nếu có) để thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư. Các khoản vốn đã chuyển ra nước ngoài, khi được thu hồi (bao gồm các khoản thu hồi nợ gốc của hợp đồng nhận nợ) và chuyển về nước thì không tính vào vốn đã chuyển ra nước ngoài. Nhà đầu tư Việt Nam được dùng cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án đầu tư của nhà đầu tư đó tại Việt Nam để thanh toán hoặc hoán đổi cho việc mua cổ phần, phần vốn góp hoặc dự án dầu khí của tổ chức kinh tế ở nước ngoài. Trong trường hợp này, nhà đầu tư Việt Nam thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trước, sau đó nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Phương án 2: Vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí thực hiện theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
- Phương án 1: Đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài phải là vốn chủ sở hữu, trong đó không bao gồm vốn góp để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Trường hợp sử dụng vốn góp tăng thêm để đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Nghị định này trước, sau đó thực hiện thủ tục tăng vốn và góp đủ vốn điều lệ tại Việt Nam trước khi chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.
- Phương án 2: Đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 70 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
2. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng giảm trong tháng 11/2022
Cuộc khảo sát người tiêu dùng được Đại học Michigan (Mỹ) theo dõi chặt chẽ cho thấy, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đứng ở mức 54,7 trong tháng 11 này, giảm từ mức tương ứng 59,9 của tháng 10. Báo cáo được đưa ra một ngày sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố dữ liệu mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2022 của Mỹ cho thấy chỉ số này tăng 0,4% so với tháng trước đó, thấp hơn ước tính tăng 0,6% của các nhà phân tích, báo hiệu rằng xu hướng lạm phát tăng cao lịch sử của Mỹ có thể đang “hạ nhiệt".
Thông tin này đã tạo đà đi lên ấn tượng cho thị trường chứng khoán Mỹ, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 1.200 điểm trong phiên giao dịch buổi chiều ngày 11/11.
Các nhà đầu tư hy vọng rằng Fed sẽ bắt đầu giảm tốc độ tăng lãi suất sau tín hiệu tích cực về lạm phát.
3. Tỷ giá USD ngày 16/11: Giá bán USD trong nước không đổi
USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 106,57 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD giảm 0,02% ở mức 1,0348. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,14% ở mức 1,1849. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,08% ở mức 139,42.
Trong nước, tỷ giá trung tâm hôm nay (16/11) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên ở mức 23.677 VND/USD như mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.493 - 24.861 VND/USD.
Tỷ giá USD sáng nay ghi nhận một số điều chỉnh trái chiều giá mua còn giá bán không đổi như tại VietinBank và Techcombank (HM:TCB) lần lượt hạ 35 và 30 đồng. Trong khi đó, Sacombank (HM:STB) tăng 20 đồng tỷ giá mua so với mức niêm yết cùng giờ sáng qua.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 24.580 – 24.627 VND/USD với Techcombank là ngân hàng có giá mua USD cao nhất, còn giá bán ra dao động trong phạm vi hẹp 24.858 - 24.861 VND/USD.
Trên thị trường "chợ đen", khảo sát lúc 9h30 sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 25.020 - 25.120 VND/USD, giá mua và giá bán không đổi so với mức ghi nhận giờ này hôm qua.