Chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2022 chắc chắn sẽ cao hơn 2021.Áp lực lạm phát tăng sẽ tác động đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Theo Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 2 của cả nước tăng 1% so với tháng trước và cao hơn 1,42% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, mặt hàng xăng dầu tăng 5,8% trong tháng 2 khiến CPI tăng 0,21 điểm. Theo các chuyên gia, việc nhu cầu của người dân tăng cao sau khi cuộc sống trở lại bình thường mới, trong khi đó, những căng thẳng tại Ukraine cũng phần nào khiến nguồn cung bị đứt gãy khiến giá một số mặt hàng tăng cao trên thế giới từ đó tác động đến Việt Nam. Thị trường chứng khoán cũng bị tác động đáng kể bởi vấn đề này, khiến nhà đầu tư thận trọng hơn.
Theo giới chuyên môn, dù năm 2022, áp lực lạm phát sẽ nhiều hơn 2021 nhưng được dự báo sẽ vẫn trong tầm kiểm soát và ở mức mục tiêu được đề ra của Quốc hội và Chính phủ. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá những biến động bên ngoài sẽ chỉ tác động ngắn hạn đến thị trường chứng khoán, còn trong dài hạn chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần tuân thủ chặt chẽ kỷ luật trong thời điểm nóng như hiện tại.
Tại Chương trình Talkshow Phố Tài chính, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng, Chứng khoán MB (MBS) đánh giá ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán đã phản ánh một phần rủi ro đến từ yếu tố căng thẳng tại Ukraine. Việc các quốc gia áp dụng chính sách trừng phạt mạnh tay đối với Nga gây ra quan ngại lớn đặc biệt là sự đứt gẫy nguồn cung của dầu mỏ và khí đốt cho khu vực châu Âu. Hiện giá dầu Brent đã vượt 110 USD/thùng, gây ra áp lực lạm phát trong thời gian tới. Đây cũng là áp lực lớn cho thị trường tài chính.
Ông Ngô Việt Đức, Trưởng Tài chính số, Ngân hàng Westpac, Australia cho biết trước căng thẳng giữa Nga và Ukraine, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm dần. Tuy nhiên, đến ngày thực sự diễn ra căng thẳng giữa hai nước trên, các chỉ số chứng khoán lại tăng. Ở Australia, chỉ số giảm 3%, tương đương 70 tỷ USD, nhưng ngay ngày hôm sau và trong cả tuần lại dần hồi phục trở lại. Diễn biến này phản ánh quan điểm của nhà đầu tư về việc các vấn đề trên chỉ tác động trong ngắn hạn.

Tại Chương trình Talkshow Phố Tài chính ngày 7/3. |
Đánh giá về nguy cơ lạm phát do cầu đẩy bởi những nguyên nhân trên, ông Tuấn cho rằng áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2022 chắc chắn sẽ cao hơn 2021. Nhìn vào nguyên nhân tiền tệ có thể thấy rõ 2020 và 2021 mặc dù kinh tế tăng trưởng chậm tuy nhiên để hỗ trợ cho nền kinh tế, NHNN đã hạ lãi suất điều hành 3 lần, cộng thêm duy trì cung tiền ở mức khá lớn tạo ra lượng tiền dư trong nền kinh tế. Nguyên nhân về cầu kéo và chi phí đẩy được thấy rõ khi mở cửa nền kinh tế cùng với gói kích thích mạnh sắp được triển khai thời gian tới. Có thể thấy rất nhiều mặt hàng cơ bản tăng, nhu cầu trên toàn cầu tăng không chỉ ở Việt Nam. Trong khi đó, nguồn cung không thể quay trở lại nhanh chóng trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra những đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, áp lực lạm phát của Việt Nam có xu hướng cao hơn vào năm 2022. Lạm phát năm 2022 sẽ giữ ở mức độ khoảng 3,5 – 4%. Tuy nhiên, yếu tố Nga và Ukraine hiện nay là chưa lường trước được.
Ông Đức đánh giá câu chuyện lạm phát khiến các ngân hàng trung ương (NHTW) đau đầu. Gần đây có một số tín hiệu cho thấy Fed có thể tăng lãi suất và Australia cũng xem xét khả năng tăng lãi suất. Bên cạnh khái niệm lạm phát, các nhà kinh tế có đề cập đến thuật ngữ là nền kinh tế vừa lạm phát đồng thời suy thoái cùng với nhau. Khi giá dầu tăng, ảnh hưởng đến lạm phát và chi phí đầu vào của một số doanh nghiệp, tuy nhiên, có nhà kinh tế nghiên cứu và cho rằng giả thứ giá dầu tăng 10% sẽ khiến nhu cầu muốn sử dụng mặt hàng này giảm 3%. Điều này có nghĩa giá dầu tăng sẽ giúp nền kinh tế hướng dần đến nền công nghiệp sạch hơn.
Theo ông Tuấn, khi áp lực lạm phát tăng, các NHTW buộc phải áp dụng các biện pháp thắt chặt và tăng lãi suất huy động, điều này sẽ hút dòng tiền từ tài chính đặc biệt là chứng khoán sang kênh tiết kiệm. Tác động thứ 2 là sẽ gây áp lực đáng kể lên chi phí của các doanh nghiệp như nhân công, chi phí lãi suất, chi phí đầu vào… Nhìn vào tổng thể, điều này sẽ tác động đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Tóm lại, lạm phát tăng chưa bao giờ là dễ chịu cho thị trường chứng khoán. NHNN được kỳ vọng sẽ đưa ra các chính sách mềm dẻo ở thời điểm này để duy trì lạm phát dưới 4%.
Ông Tuấn khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể giải ngân vào một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu là thép và phân bón. Đối với nhà đầu tư dài hạn, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ phục hồi dù còn khó khăn nên có thể tập trung vào các doanh nghiệp có sự phục hồi mạnh về lợi nhuận sau dịch bệnh.
Còn theo quan điểm của ông Đức, nếu như các cơ quan quản lý tạo ra được các “sân chơi” mới cho nhà đầu tư sẽ giúp đa dạng hóa danh mục. Dẫn chứng tại Australia, chứng khoán không phải là kênh đầu tư duy nhất, người dân đầu tư nhiều vào bất động sản, quỹ mạo hiểm liên quan đến nghiên cứu phát triển các sản phẩm về chữa bệnh. Đa dạng kênh đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư bảo vệ vốn, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”.