Thị trường tài chính đã phát đi một thông điệp đáng ngại trong tháng này về nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm định hình lại dòng chảy thương mại toàn cầu.
Sự biến động trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ và sự suy yếu bất ngờ của đồng đô la trong thời gian gần đây cho thấy những gì mà căng thẳng thương mại có thể biến thành một "cuộc chiến dòng vốn" nguy hiểm hơn. Sự va chạm này có nguy cơ làm tăng chi phí đi vay của Mỹ bằng cách làm suy yếu quyền lực vô song về tài chính lâu đời của nước này, vốn đã thu hút hàng nghìn tỷ đô la dòng vốn vào từ nước ngoài trong nhiều năm.
Steven Blitz, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại GlobalData TS Lombard cho biết: "Ý tưởng về việc có thể phá vỡ thương mại nhưng không phá vỡ dòng vốn, là một điều viển vông".
Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố loạt mức thuế đối ứng vào ngày 2/4, một đợt bán tháo tàn khốc trên thị trường trái phiếu đã diễn ra, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ năm 1987. Đợt bán tháo diễn ra trong bối cảnh đồng đô la suy yếu ngay cả khi đồng tiền này thường mạnh lên trong các đợt căng thẳng. Sự kết hợp bất thường này đã khiến một số nhà phân tích cảnh báo về nguy cơ vốn chảy khỏi Mỹ. Sau đó thị trường đã ổn định trong những ngày gần đây sau khi Tổng thống Trump hoãn thuế quan đối ứng trong vòng 90 ngày, nhưng lại tăng thuế lên mức cao ngất ngưởng đối với Trung Quốc.
Một số sự xáo trộn của thị trường phản ánh các quỹ đầu cơ và các nhà đầu tư lớn khác buộc phải đóng vị thế ở một số giao dịch không có lãi. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết đợt bán tháo phần lớn phản ánh các yếu tố kỹ thuật, như cách các chiến lược quản lý rủi ro của nhà đầu tư khi buộc phải thanh lý đột ngột khi mối tương quan giữa các tài sản khác nhau thay đổi bất ngờ.
“Đây là một trong những cú sốc 'VAR' thỉnh thoảng xảy ra trong cộng đồng giao dịch. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người đã sử dụng đòn bẩy rất cao, có thể là quá đà”, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết.
Một số nhà phân tích đã cảnh báo không nên vội vàng đưa ra kết luận bao quát khi các nhà đầu tư nước ngoài vừa trải qua giai đoạn đầu năm với sự phấn khích quá mức về triển vọng tăng trưởng của Mỹ, hay còn gọi là “chủ nghĩa ngoại lệ” của Mỹ.
Richard Clarida, cựu Phó chủ tịch Fed và hiện là cố vấn cấp cao tại công ty trái phiếu Pimco cho biết, đầu năm nay, đồng đô la có vẻ như được định giá quá cao như đã từng kể từ những năm 1980 và lợi suất trái phiếu kho bạc vẫn trong phạm vi giao dịch của chúng trong hai năm qua.
Bộ trưởng Bessent cảnh báo không nên vội vàng đưa ra phán đoán về diễn biến thị trường trong một tuần và tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài của Nhà Trắng đối với đồng đô la mạnh. Ông cho biết: "Chúng ta vẫn là đồng tiền dự trữ toàn cầu…Đồng đô la có thể tăng và giảm".
Hành vi của nhà đầu tư thay đổi
Các nhà phân tích, nhà kinh tế và cựu quan chức chính phủ khác cảnh báo rằng, các điều kiện giao dịch căng thẳng cũng có thể phản ánh những lo ngại cơ bản hơn.
"Hành vi của các nhà đầu tư đã thay đổi. Thông thường, họ sẽ mua đồng đô la trong thời kỳ khủng hoảng này, nhưng thay vào đó, họ đã bán đồng đô la…Điều này cho thấy có thể các nhà đầu tư đang trở nên nghi ngờ về tính an toàn của trái phiếu kho bạc hoặc tính mong muốn của các tài sản bằng đô la", Steven Kamin, cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của Fed cho biết.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump trước đây đã lập luận rằng người tiêu dùng sẽ không phải chịu chi phí tăng thuế quan vì đồng đô la sẽ mạnh lên. Nhưng việc đồng đô la yếu hơn khiến các nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ của Mỹ phải chịu mức giá tăng.
Ngoài cuộc chiến thương mại, các nhà đầu tư toàn cầu đang phải cân nhắc đến khả năng thâm hụt ngân sách tăng ở Mỹ và châu Âu và khả năng xói mòn sự độc lập về chính sách tiền tệ của Mỹ.
Các quỹ đầu cơ cho biết giao dịch ngày càng phổ biến trong những tuần gần đây là đặt cược vào sự gia tăng chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn và dài hạn đối với trái phiếu kho bạc do lo ngại về thâm hụt ngân sách cao hơn, áp lực buộc Fed phải cắt giảm lãi suất và sự cảnh giác của các nhà đầu tư nước ngoài về nợ của Mỹ.
“Thuế quan chỉ là phần nổi của tảng băng… Nếu đồng đô la mất giá 30%, thì lợi nhuận đầu tư vào Mỹ là bao nhiêu? Mọi người đều đang tính toán”, Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng và giám đốc đầu tư tại công ty bảo hiểm Allianz cho biết.
Giám đốc điều hành của BlackRock, Larry Fink cho biết Mỹ có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn sau nhiều năm được hưởng lợi từ phân bổ quá mức và chỉ ra rằng châu Âu là điểm đến tiềm năng tốt hơn cho vốn nước ngoài.
Ngay cả khi điều kiện thị trường ổn định, thì quá trình nhu cầu của nước ngoài đối với tài sản của Mỹ giảm dần có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ. Nhu cầu trái phiếu kho bạc của nước ngoài đã thúc đẩy giá tài sản của Mỹ và hạ lãi suất trong hai thập kỷ qua.
Trong khi đó, khoảng 30% trong số gần 29.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc do công chúng nắm giữ thuộc sở hữu của người nước ngoài, mặc dù tỷ lệ nắm giữ trái phiếu kho bạc của người nước ngoài đã giảm đều đặn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thông thường, trái phiếu kho bạc đóng vai trò là biện pháp phòng ngừa rủi ro trên thị trường chứng khoán vì giá trái phiếu thường tăng (lợi suất giảm) khi giá cổ phiếu giảm. Đặc tính này khiến chúng hấp dẫn hơn nhiều đối với các nhà đầu tư so với trường hợp khác và bất kỳ sự cố nào trong đặc tính phòng ngừa đó đều có thể gây lo ngại cho Mỹ, vì điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ có ít lý do hơn để sở hữu trái phiếu kho bạc.
Trong một thế giới mà Mỹ không được xem là đối tác đáng tin cậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần đa dạng hóa các khoản nắm giữ sang đồng franc Thụy Sĩ, vàng, yên Nhật hoặc euro.
Dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy các nhà đầu tư tư nhân tại Nhật Bản đã bán 17,5 tỷ USD trái phiếu kho bạc dài hạn của Mỹ trong tuần từ ngày 28/3 tới 4/4, đây là lượng trái phiếu nước ngoài bán ra lớn nhất kể từ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024.
Hơn nữa, sự biến động của thị trường trái phiếu và lợi suất cao hơn không nhất thiết phải phản ánh việc nước ngoài bán trái phiếu kho bạc mà là cách dòng vốn chảy vào không theo kịp với thâm hụt thương mại đang gia tăng. Theo Bank of America, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm một phần nhỏ trong số những người mua tại các cuộc đấu giá trái phiếu kho bạc vào tháng 3.
Eric Rosengren, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Boston cho biết: "Càng kéo dài, khả năng chúng ta trở thành một tiền tệ dự trữ ít hơn trước đây càng cao. Và điều đó có thể bắt đầu trở nên khá tốn kém".