Trong tuần giao dịch vừa qua, 16/19 cổ phiếu ngân hàng tăng giá với mức vốn hóa tăng thêm là hơn 51.200 tỉ đồng. Thanh khoản toàn ngành đạt gần 218,8 triệu cổ phiếu, giảm hơn 26% so với tuần trước.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)
Vốn hóa toàn ngành tăng hơn 51.000 tỉ đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (3/8 - 7/8), giá trị vốn hóa của 19 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM dừng ở hơn 903.246 tỉ đồng, tăng hơn 51.200 tỉ đồng so với mức đóng cửa tuần trước, tương ứng tăng 6%.
Đóng cửa ngày 7/8, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường đạt 307.466 tỉ đồng, tăng 24.108 tỉ đồng so với cuối tuần trước. Vốn hóa BIDV và VietinBank cũng tăng 5.832 tỉ đồng và 5.711 tỉ đồng lên lần lượt 153.239 tỉ đồng và 84.707 tỉ đồng
Ngược lại, Viet Capital Bank, Kienlongbank và NCB là ba ngân hàng có vốn hóa thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 3.203 tỉ đồng, 3.269 tỉ đồng và 3.527 tỉ đồng.

Vốn hóa 19 ngân hàng chốt ngày 7/8. (Nguồn: QT tổng hợp)
16/19 cổ phiếu ngân hàng tăng giá
Tính chung 5 ngày giao dịch tuần qua , số lượng cổ phiếu ngân hàng tăng giá chiếm áp đảo với 16/19 mã. Trong đó, HDB và VCB là cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành ngân hàng lần lượt ở mức 8,8% và 8,5%.
Ngoài ra, một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng khá mạnh như VIB (+7,8%), CTG (+7,3%), SHB (+5,9%), ACB (+5,5%) và VPB (+5,2%), ...
Hai mã giảm giá trong tuần qua gồm có VBB (-3,7%) và KLB (-1%). Mã duy nhất đứng giá là NVB.
Xu hướng tăng giá của hàng loạt cổ phiếu ngân hàng diễn ra trong bối cảnh thị trường chung diễn biến tích cực.
Theo đó, trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 8, sàn HOSE có 5 phiên tăng liên tiếp, còn sàn HNX có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng.
Tổng cộng, VN-Index tăng 43,07 điểm, tương đương tăng 5,39% so với cuối tuần trước và kết thúc tuần ở mức 841,46 điểm; trong khi HNX-Index tăng 5,27 điểm, tương ứng tăng 4,9% và kết tuần ở mức 112,78 điểm.

Biến động giá 18 mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần 3/8 - 7/8. (Nguồn: QT tổng hợp)
Thanh khoản toàn ngành giảm hơn 26%
Tuần qua có tổng cộng gần 218,8 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 3.662 tỉ đồng; giảm 26,3% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với tuần trước.
STB tiếp tục là cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất ngành với gần 37,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch trong tuần đạt 394 tỉ đồng.
Xếp tiếp sau STB về thanh khoản, lần lượt là LPB với gần 30,2 triệu cp, VPB gần 24,3 triệu cp, TCB hơn 19 triệu cp, ACB gần 18,1 triệu cp, CTG gần 17,7 triệu cp, NVB hơn 16,8 triệu cp, SHB gần 16,6 triệu cp, MBB gần 15,4 triệu cp...
Ở chiều ngược lại, TPB, KLB và VBB tiếp tục là ba cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp nhất ngành, lần lượt ở mức 199.170 cp, 132.739 cp và 2.501 cp.

Khối lượng giao dịch 18 cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch 3/8 - 7/8 (Nguồn: QT tổng hợp)
Thanh khoản nhiều mã giảm mạnh
Tuần qua chứng khiến sự sụt giảm thanh khoản của 12 cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, cổ phiếu EIB có khối lượng giao dịch giảm mạnh nhất với chỉ hơn 2,4 triệu cp được mua - bán, giảm 86,7% so với tuần trước.
Cùng với EIB thanh khoản của một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức giảm trên 30% như TPB (giảm 66,2%), VBB (giảm 58,3%),MBB (giảm 46,8%), STB (giảm 44,4%), VBB (giảm 42,6%), HDB (giảm 40,6%) và VIB (giảm 31,3%).
Ngược lại, 6 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng trong tuần qua. Trong đó, thanh khoản KLB đạt gần 133.000 cp, gấp 3,7 lần tuần trước.
Nhưng mã có thanh khoản tăng còn lại gồm có BAB tăng 93,8%, TCB tăng 22,1%, NVB tăng 14% và VPB tăng 7,8%.

Thay đổi khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tuần qua, đvt: cổ phiếu. (Nguồn: QT tổng hợp)
Giao dịch thỏa thuận khủng tại TCB
Xét về phương thức giao dịch, tuần qua có hơn 180 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt 2.965 tỉ đồng, chiếm gần 82% về khối lượng và 79% về giá trị.
Gần 38,8 triệu cp còn lại được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt 697 tỉ đồng. Trong đó, TCB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất ngành với hơn 11,8 triệu đơn vị, chiếm 62% tổng lượng cổ phiếu được giao dịch trong tuần.
Ngoài TCB, giao dịch thỏa thuận cũng diễn ra "sôi động" tại nhiều cổ phiếu ngân hàng như VPB (hơn 9,2 triệu cp), LPB (hơn 5,7 triệu cp), SHB (gần 2,9 triệu cp), ACB (hơn 2,6 triệu cp);...

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng. (Nguồn: QT tổng hợp)