Theo nhận định của VASEP, Brazil là thị trường chiến lược để Việt Nam mở rộng xuất khẩu thủy sản vào khu vực Nam Mỹ. Với lợi thế giá cả, hợp tác song phương lâu đời và nhu cầu nhập khẩu ổn định của Brazil, thủy sản Việt Nam có cơ hội củng cố vị thế và đa dạng hóa đầu ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu đầy biến động.
Brazil, với dân số hơn 200 triệu người, tiêu thụ thủy sản bình quân đạt 12 kg/người/năm, trong khi nguồn cung nội địa thiếu hụt cùng chính sách nới lỏng tiêu chuẩn nhập khẩu, đang nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng cho thủy sản Việt Nam.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Brazil đạt 130 triệu USD, tăng 14% so với năm 2023, đưa Việt Nam trở thành nước cung cấp thủy sản lớn thứ 2 cho đất nước Nam Mỹ này, khi chiếm 17% tổng khối lượng và 9% giá trị nhập khẩu thủy sản.
Mặc dù là nước sản xuất, nuôi trồng thủy sản lớn thứ 2 ở Mỹ Latin với sản lượng hàng năm đạt khoảng 900.000 tấn, trong đó cá rô phi chiếm khoảng 65%, nghề cá biển và nội địa sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn/năm, nhưng ngành thủy sản nội địa Brazil vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng đa dạng, nhất là với các sản phẩm như cá hồi, cá tuyết, tôm, và cá thịt trắng.
Do vậy, hàng năm Brazil phải nhập khẩu 1,4-1,5 tỷ USD thủy sản, chủ yếu là các mặt hàng cao cấp như cá hồi từ Chile và cá tra từ Việt Nam.
Theo VASEP, mức tiêu thụ thủy sản cao cùng với GDP dự kiến tăng trưởng 2,2%, nhập khẩu thủy sản của Brazil được dự báo tiếp tục tăng, đặc biệt với sản phẩm giá trị cao và tiện dụng.
Thủy sản Việt Nam, nhất là cá tra, đã tận dụng tốt cơ hội này.
Năm 2024, cá tra chiếm gần 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Brazil, đạt 129,3 triệu USD, tăng 14,5% so với năm 2023. Việt Nam tiếp tục dẫn đầu phân khúc cá thịt trắng với 38% thị phần, vượt xa các đối thủ như Argentina và Na Uy.
VASEP cũng ước tính xuất khẩu thủy sản sang Brazil quý I năm nay đạt 48,2 triệu USD, tăng 72,8% so với cùng kỳ.
VASEP nhận định, thủy sản Việt Nam, nhất là cá tra, có nhiều cơ hội tăng trưởng tại thị trường Brazil nhờ những yếu tố sau:
Giá cả cạnh tranh
Cá tra Việt Nam, với giá thành thấp và chất lượng ổn định, đang là lựa chọn lý tưởng cho phân khúc trung lưu và bình dân tại Brazil. Bên cạnh cá tra phi lê đông lạnh, sản phẩm giá trị gia tăng như chả cá, cá viên, đều đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng tiện lợi trong các siêu thị và nhà hàng tại các đô thị lớn.
So với các sản phẩm cao cấp từ Chile hay EU, thủy sản Việt Nam có lợi thế về giá nên còn nhiều cơ hội tăng thị phần khi Brazil ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm thủy sản hợp túi tiền.
Brazil nới lỏng tiêu chuẩn nhập khẩu
Việc Brazil xem xét điều chỉnh các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về phụ gia và phosphate cũng mở ra cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng. Động thái này của Brazil không chỉ giúp kéo giảm chi phí kiểm định mà còn tạo điều kiện để Việt Nam xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu như cá tra tẩm bột, giúp đa dạng hóa danh mục và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Hợp tác thương mại song phương
Việt Nam và Brazil đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 10 tỷ USD trong năm 2025 và 15 tỷ USD vào năm 2030.
Thông qua Brazil – đối tác thương mại lớn nhất của thủy sản Việt Nam tại Nam Mỹ - doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể mở rộng thị phần tại khu vực này. Việc đàm phán về ưu đãi thuế với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), trong đó Brazil là thành viên, sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.
Đa dạng hóa thị trường
Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị hiện hữu cùng thuế suất tại Mỹ ở mức cao, Brazil nổi lên như một điểm đến chiến lược để thủy sản Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Với 26 doanh nghiệp cá tra như Hùng Cá, Nam Việt, đang hoạt động tại Brazil, thủy sản Việt có nền tảng vững chắc để tăng trưởng hơn nữa tại thị trường này.
Dù tiềm năng lớn song xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Brazil cũng phải đối mặt với một số rào cản.
Việc Brazil ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm nguyên con đông lạnh đã hạn chế khả năng đa dạng hóa sản phẩm tôm của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Hơn nữa, cá tra Việt Nam có nguy cơ chịu kiểm soát chặt chẽ hơn sau khi Brazil tạm dừng nhập khẩu cá rô phi từ ngày 14/2/2025 do lo ngại virus TiLV.
Thủ tục hành chính phức tạp và cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador và Indonesia đòi hỏi doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như đáp ứng mọi chứng nhận bền vững như ASC hay BAP.